Ngồi bắt chuyện, cụ Đinh đăm đăm mắt chỉ tay cho biết: "Ngày trước, hai đôi Thiên Cẩu và Thần Hầu ở hai đầu cây cầu Nhật Bản đây lúc nào cũng được khói hương nghi ngút. Mỗi buổi sáng ai bước qua cũng cúi đầu mà lòng nhẹ nhàng thanh thản, còn bây giờ thì Chùa Cầu chỉ được cúng vái vào vài dịp rằm, mồng một hay dịp tế lễ thôi".
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tục thờ chó đã phổ biến từ rất lâu. Riêng ở Hội An, Thiên Cẩu được cúng vái ở Chùa Cầu. Công trình được xây dựng bởi người Nhật nay là biểu trưng của thành phố Di sản ngay từ đầu đã mang đậm dấu ấn tín ngưỡng của dân tộc xứ Phù Tang. Con vật trong Tô-tem giáo mà người Nhật sùng bái hiện hữu ở Chùa Cầu, từ bao đời nay đã là vị thần trong tâm thức dân gian của người Hội An. Được tạc bằng gỗ, có vóc dáng bình thường như chó thật nhưng tâm thế sẵn sàng chồm lên phía trước để đối đầu với cái ác, Thiên Cẩu vẫn được xem là biểu tượng an lành của người dân Hội An.
Trung tâm Quản lý - Bảo tồn Di tích Hội An còn lưu lại dữ liệu về đôi Thiên Cẩu ở Chùa Cầu: "Thiên Cẩu song tinh an Cấn thổ/ Tử Vi lưỡng tướng định Khôn thân" được dịch là: "Hai sao Thiên Cẩu trấn an đất Cấn/ Hai tướng Tử Vi định giữ cung Khôn". Qua đôi câu đối này, có thể thấy, với tín ngưỡng của người xưa, đôi Thiên Cẩu là hiện thân của hai vị thần từ trên trời được cử xuống để giúp người dân giữ lấy bình yên cho vùng đất này.
Thiên Cẩu không chỉ có mặt trong đời sống tâm linh và qua đó hiện hữu qua các công trình tín ngưỡng xưa của người Nhật, Thiên Cẩu - qua tâm thức của người Hoa - hình ảnh Chó Trời có ý nghĩa như một vị thần hộ mệnh. Theo truyền thuyết, vào đời nhà Tùy, Trung Quốc, bệnh đậu mùa hoành hành dữ dội, thương xót người dân nên Ngọc Hoàng sai Thiên Cẩu xuống trần gian dùng thần phép xua tan tà khí, tiêu trừ ôn dịch. Nhân dân thoát nạn vô cùng biết ơn Thiên Cẩu. Vì thế cứ vào những dịp lễ hội lớn như Tết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, Tết Trung thu, người dân dùng tre uốn nắn thành đầu Thiên Cẩu múa để thờ cúng, tỏ bày lòng biết ơn và cầu mong cuộc sống an bình.
Anh Trương Hoàng Vinh, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản TP Hội An cho biết: "Nguồn gốc của hình thức múa Thiên Cẩu ở Hội An được những Hoa kiều đem sang Việt Nam có tích là như thế. Khi "ở lại" với Hội An, hình thức múa này cũng là ước muốn của người dân Hội An vừa để trừ tà, cũng như cầu mong cuộc sống yên bình, phát đạt hơn và dần dần ngấm sâu vào đời sống của người dân nơi này". Bởi vậy, một điều dễ thấy là múa Thiên Cẩu ngày trước nở rộ vào các dịp lễ hội, các dịp Tết, các sự kiện quan trọng cũng như vào các dịp khai trương quán sá, hiệu buôn.
Múa Thiên Cẩu ở Hội An cũng đã qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Đầu thế kỷ XX, một người Hoa thuộc hệ phái Thiếu Lâm của Hội quán Quảng Triệu là ông Trịnh Cẩm Quân mở lớp dạy võ, ban đầu chỉ dành cho các Hoa kiều, về sau mở rộng sang cho cả các võ sinh người Việt. Khi mà các võ sinh đã tiếp thu được những ngón võ thuật ưng ý nhất, ông Trịnh bắt đầu dạy các học trò múa Thiên Cẩu. Đội múa Thiên Cẩu đầu tiên của Hội An vì thế đã được ra đời với tên gọi là Đại Hòa Lạc. Đội Thiên Cẩu Đại Hòa Lạc hoạt động sôi nổi mãi đến năm 1947 thì tan rã vì lúc này ông Tổ là Trịnh Cẩm Quân qua đời, và lúc này các thành viên trong đội cũng giải tán vì thực dân Pháp tái chiếm Hội An.
Bước sang những năm 1947- 1956, đội Thiên Cẩu Hội An được tái thành lập và duy trì hoạt động trong lòng khu phố cổ, chủ yếu là quanh khu vực đình Cẩm Phô. Đến năm 1956, đội hoạt động cầm chừng rồi giải tán vì không tìm được người chèo lái.
Sau năm 1956, Nghiệp đoàn bốc vác Hội An thành lập đội Thiên Cẩu mới với các thành viên là những người hoạt động nhiều kinh nghiệm trước đó. Lúc này đội Thiên Cẩu Hội An hoạt động rất mạnh mẽ và được chính quyền mời ký các hợp đồng biểu diễn vào các dịp là điểm nhấn trong năm nhưng chủ yếu nhất là dịp Tết Cổ truyền, Tết Trung thu.
Sau ngày giải phóng, trong những năm 1975-1990, đội Thiên Cẩu Hội An hoạt động rất rầm rộ. Nhu cầu tín ngưỡng, cầu mong cuộc sống thật yên bình của người dân Hội An là rất lớn. Lúc này người dân Hội An xem múa Thiên Cẩu là hoạt động không thể thiếu vào các dịp quan trọng trong năm. Múa Thiên Cẩu đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân nơi này.
Bài viết: DSHA
Nguồn ảnh: sưu tầm