Nghệ thuật dân gian

Nghệ thuật dân gian

Hiện tượng Bài chòi Hội An

Trải qua rất nhiều năm cho đến bây giờ, có thể nói nghệ thuật Bài chòi Hội An là một hiện tượng; bởi vì, Bài chòi Hội An đã lần lượt có những phát triển, có bước lan tỏa mạnh đến không ngờ.

1. Từ những bước đi để trở thành hiện tượng

Đầu tiên phải nói, những năm đầu sau Giải phóng, phong trào hát dân ca-bài chòi Hội An chỉ là đàn em các huyện thị thành của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) như Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc…; nhưng sau khi Đội Thông tin lưu động Hội An đạt giải nhất tại Hội thi Thông tin lưu động toàn quốc tại Hà Nội với vở thông tin-văn nghệ mừng 10 năm Giải phóng “10 năm đất Quảng” (tác giả-đạo diễn Ngọc Kỳ*), thì phong trào nghệ thuật hát dân ca bài chòi tại Hội An ngày càng phát triển mạnh. Những năm tiếp theo và cho đến bây giờ, hình thức nghệ thuật kịch dân ca-bài chòi, ca cảnh dân ca-bài chòi và phong trào hô-hát, các hạt nhân hát dân ca-bài chòi Hội An phát triển không ngừng và Đội Thông tin lưu động, Đội nghệ thuật của thị xã (nay là thành phố) và các ngành, đoàn thể liên tục giành giải cao tại các hội thi, hội diễn cấp tỉnh QN-ĐN và sau này là cấp tỉnh Quảng Nam, cấp vùng miền và toàn quốc.

Từ những năm 90 thế kỷ trước cho đến bây giờ, nghệ thuật Bài chòi Hội An đã đi giao lưu không dưới vài ba chục tỉnh, thành với tần suất giao lưu có nơi phải đến con số 10.

Với quốc tế 1 đoàn nghệ thuật cấp huyện, trong vòng 12 năm-bắt đầu từ năm 2007 đến 2019 đã 13 lần xuất ngoại biểu diễn giao lưu tại 7 quốc gia Á, Âu.

Những thành tích đó là chưa kể các cuộc phục vụ-giao lưu đối ngoại như phục vụ nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều đoàn lãnh đạo cao cấp các quốc gia đến thăm Hội An, thăm Quảng Nam.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới”- thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, tháng 01/2015 để chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO xét công nhận loại hình nghệ thuật Bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Trung tâm Văn hóa-Thể thao (nay là Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình thành phố Hội An, sau đây gọi tắt là Trung tâm) qua tham luận “Bài chòi trong đời sống đương đại ở Hội An” đã được chủ trì hội thảo giáo sư -tiến sỹ Tô Ngọc Thanh kết luận “cái nôi Bài chòi là ở Bình Định, nhưng nơi phát huy Bài chòi tốt nhất là Hội An”. Sau hội thảo, 1 đoàn điền dã của Viện Âm nhạc Việt Nam-đơn vị được giao nhiệm vụ lập hồ sơ trình UNESCO gồm ghi hình biểu diễn, ghi hình hoạt động trò chơi Bài chòi, phỏng vấn nghệ nhân, phỏng vấn người dân và du khách góp phần làm đậm nét giá trị Bài chòi cho hồ sơ.

2. Lý giải về hiện tượng Bài chòi

Hội An đã có những bước đi, cách làm một cách bài bản, có tính chiến lược:

Năm 1983, lần đầu tiên sau ngày giải phóng, Nhà văn hóa Hội An (nay là Trung tâm) thị xã đã mở 1 lớp dân ca-bài chòi cho hạt nhân dân ca-bài chòi ở cơ sở. Hơn 30 học viên đã được nghệ sĩ chuyên nghiệp Nguyễn Hải Nam* truyền nghề hơn 1 tháng. Qua lớp học này, đã cung cấp cho phong trào thị xã nhiều gương mặt nổi trội như: Lương Đáng (Nghệ nhân ưu tú 2018), Ngọc Huệ (Nghệ nhân ưu tú 2018), Văn Khôi, Văn Khán, Thị Nhàn, Từ Hạnh, Nguỵ Kim Anh...Từ đó, các chương trình hội thi, hội diễn, biểu diễn ngày càng có nhiều hơn các tiết mục, các vở dân ca-bài chòi.

Từ năm 1985, Nhà Văn hóa bắt đầu khôi phục lại trò chơi Bài chòi tại các chương trình Hội tết và lễ hội. Lúc này, các xã phường, thôn khối cũng hưởng ứng khá mạnh mẽ; nhiều anh chị hiệu đã liên tục xuất hiện như: anh Trần Sung*, Nguyễn Thị Nữ* ở Phòng VH-TT, anh Nguyễn Cho ở Cẩm An (nay là Cửa Đại), anh Nguyễn Tống ở Cẩm Thanh, anh Đỗ Lệ* (Minh An), anh Lương Đáng, Nguyễn Thị Nhàn ở Cẩm Hà…

 Từ năm 1992, Nhà Văn hóa phối hợp với các đoàn thể, nhất là Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động Thị xã, các xã phường có thể lệ bắt buộc các chương trình hội thi, hội diễn phải có ít nhất 50% tiết mục là loại hình dân ca-bài chòi mới được trao giải thưởng chương trình.

 Năm 1996, Nhà Văn Hoá thành lập Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An với gần 20 thành viên là biên chế của đơn vị và cộng tác viên. Chính lực lượng gần như chuyên nghiệp này đã chuyển tải, lan tỏa dân ca-bài chòi mạnh mẽ vào sinh hoạt nghệ thuật của thị xã, đưa dân ca-bài chòi vào phục vụ khách du lịch hàng đêm và tại các doanh nghiệp du lịch.

 1998, xuất phát từ sản phẩm “Tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX” (gọi tắt là “Đêm phố cổ”), trò chơi dân gian Bài chòi, chiếu dân ca-bài chòi được đưa vào hoạt động vào đêm 14 âm lịch hàng tháng cho đến nay. Đặc biệt, trò chơi Bài chòi tại bồn binh An Hội đã thu hút rất đông người đến chơi, kể cả khách du lịch nước ngoài. Tại điểm trò chơi này, lần lượt đã xuất hiện các thế hệ anh chị hiệu tài ba như: Lương Đáng, Ngọc Huệ, Thu Hương, Lệ Nga, Hồng Hoa, Dương Quý, Văn Nhanh, Thu Sang, Thu Ly, Kim Anh,…

Năm 2004, Trung tâm đã phối hợp với ngành Giáo dục thành phố đưa dân ca-bài chòi vào học đường bằng cách mỗi niên khóa chọn 2 đến 3 trường THCS để tổ chức học dân ca vào thứ hai hàng tuần; người truyền dạy là diễn viên đầy tâm huyết của Trung tâm như Thu Ly, Ngọc Huệ, Thu Hương, Dương Quý…và đã duy trì cho đến nay.

Năm 2010, với chủ trương của thành phố về việc “Mở rộng tham quan phố cổ vào ban đêm” (gọi tắt là “Phố đêm”), chiếu dân ca-bài chòi, trò chơi bài chòi lại có cơ hội phô diễn, hoạt động hàng đêm tại phố cổ cho đến nay.

Và cũng tại sản phẩm du lịch Phố đêm có thêm lớp dạy hát dân ca hàng đêm cho học sinh trường THCS Nguyễn Duy Hiệu và dành cho thiếu nhi, du khách. Chính tại đây, ngoài các diễn viên của Trung tâm là cô-thầy truyền dạy, đã thu hút thêm nhiều tài năng mới đến với lớp như: Phương Huyên, Minh Hương, Thảo Phi…

Từ năm 2017, khi Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hội An đã có sáng kiến tổ chức thi tổ chức trò chơi Bài chòi hàng năm để tìm kiếm các anh-chị hiệu xuất sắc, tìm kiếm các phương thức tổ chức trò chơi Bài chòi sáng tạo, hấp dẫn.

Đội ngũ sưu tầm, sáng tác, sáng tạo

Nhờ phong trào phát triển mạnh mẽ nên phải cần đến lực lượng nghiên cứu, sưu tầm lời cổ từ trong ca dao; cải biên, sáng tác lời hô mới, hô-hát kiến tại vừa hóm hỉnh phục vụ cho nhu cầu giải trí của công chúng, vừa đáp ứng cho định hướng, cho chủ trương tôn trọng pháp luật Nhà nước, cho nếp sống, lối sống tốt đẹp của cộng đồng; sáng tạo phương thức trình diễn và tổ chức trò chơi cho phù hợp với điều kiện đương đại như thiết kế chòi vừa không xa lạ với chòi cổ nhưng thuận tiện cho khách tham gia trò chơi, in phóng đại các quân bài để trưng ra khi có quân bài tới phục vụ cho đông người chơi, chuyển thể trò chơi Bài chòi thành tiết mục sân khấu diễn xướng “Phút thư giãn với bài chòi Hội An” như một hội chơi có thưởng để có thể phục vụ nhiều không gian, điều kiện khác nhau v.v…Lực lượng này phải kể đến các anh chị Ngọc Kỳ*, Trương Đình Quang*, Xuân Giá*, Phạm Phú Sương*, Phùng Tấn Đông, Trần Văn Nhân, Lương Đáng, Phùng Sơn, Đình Châu, Võ Phùng….; tất cả đã góp phần làm cho nội dung, hình thức, bộ mặt dân ca-bài chòi Hội An có những nét rất đặc trưng.

Bài chòi- Trò chơi tương tác

Trò chơi bài chòi là một loại hình trò chơi tao nhã, cũng là hình thức đánh bài nhưng hoàn toàn không có yếu tố ăn thua-sát phạt; do đó, việc giao lưu giữa anh-chị hiệu với người chơi rất quan trọng để làm cho mỗi hội chơi thật sự vui vẻ và sinh động nên Bài chòi Hội An đã biết đầu tư cho phong cách hô-hát, diễn trò của anh-chị hiệu; biết mời khách tham gia thi hô-hát cùng với những món quà thưởng rất nhỏ nhưng dễ giữ làm kỷ niệm; biết mời khách lên xóc và bốc quân bài, nhất là các quân bài gần cuối mỗi hội chơi-có thể xuất hiện người trúng thưởng. Và chính cách mời khách lên bốc những quân bài gần cuối ấy cũng là để thể hiện tính trung thật, trong sáng của một loại hình trò chơi tao nhã nhưng cũng không thiếu yếu tố hồi hộp.

 Đội ngũ nhạc công

Một lực lượng không thể không nhắc đến mà các anh chị em đã góp phần không nhỏ dân ca bài chòi Hội An chắp cánh một cách ngọt ngào, đó là các nhạc công nhạc cụ dân tộc hầu hết đến từ ngoài Hội An mà Trung tâm hay cho là “đất lành chim đậu” như: Tấn Sanh, Quang Nam (Duy Xuyên), Văn Tiến, Hồng Khanh (Đà Nẵng), Phương Loan (Tam Kỳ), Anh Tuấn (Đại Lộc), Thanh Tuấn (Thừa Thiên-Huế), Nguyễn Thị Phương (Nghệ An), Văn Đức*, Văn Tuấn (Hội An)…

Thường xuyên giao lưu biểu diễn

Chính nhờ tần suất hoạt động rất cao, gần như ngày nào anh chị em nghệ sĩ, nghệ nhân cũng đều được diễn, được các tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả, của du khách cùng với những chuyến đi giao lưu trong nước và nước ngoài khá đều đặn đã giúp anh chị em tìm thấy hạnh phúc đích thực “được diễn” của nghệ sĩ. Bên cạnh, những chính sách, chế độ ưu ái của thành phố, của Trung tâm cũng đã giúp cho anh chị em có đời sống kinh tế khá ổn định-sống bằng nghề để yêu, để say sưa và dành tâm huyết cho nghề. Đó cũng chính là cơ sở, nền tảng để Hội An có thêm những tài năng dân ca-bài chòi nối tiếp đàn anh, đàn chị.

Bằng cách đi của mình, Bài chòi Hội An không những chỉ là hiện tượng mà ngày sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, sẽ thẩm thấu sâu đậm vào đời sống nhân dân hơn nữa; sẽ trở thành nhu cầu thưởng thức và vui chơi-giải trí không thể thiếu được của nhân dân, không thể thiếu được trong hoạt động du lịch văn hóa của Hội An, xứng đáng với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

*: những anh chị em đã qua đời

 

Tác giả: Võ Phùng

 

Go top