Không gian sáng tạo

Không gian sáng tạo

Giữ gìn văn hóa truyền thống và sáng tạo hướng tới tương lai

Từng là địa phương phát động xây dựng Thị xã văn hóa đầu tiên trên toàn quốc từ những năm đầu thập niên 90, thế kỷ 20; trong quá trình xây dựng và phát triển, những năm gần đây, thành phố Hội An kiên định thực hiện theo định hướng xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch. Khi Chính phủ ban hành chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Hội An đã bắt nhịp thực hiện, tiếp tục lấy văn hóa làm động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Và trong những năm qua, Thành phố Hội An đã tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa và đây cũng là tiền đề xây dựng “Hội An -Thành phố sáng tạo” trong tương lai.

1. Nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết hợp xu hướng đương đại.

Nhận thức được bề dày và chiều sâu các giá trị văn hóa lịch sử vốn có của vùng đất từng là thương cảng quốc tế của xứ đàng trong và hiện là Di sản văn hóa thế giới của nhân loại, trong suốt hành trình xây dựng và phát triển, TP Hội An đã bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian, tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, ghi dấu bản sắc riêng cho điểm đến. Đã có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa được địa phương xây dựng và duy trì dựa trên nền tảng chất liệu văn hóa, lịch sử, đời sống cộng đồng. Điển hình như các chương trình biểu diễn nghệ thuật cổ truyền định kỳ, sản phẩm múa rối nước, bài chòi, hò khoan, dân ca, bả trạo, tuồng…

 

Cùng với các sản phẩm văn hóa truyền thống, những năm qua, với định  hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo chủ trương chung của Chính phủ, Hội An đã phục dựng các lễ hội cổ truyền, kết hợp với hoạt động sự kiện văn hoá nghệ thuật đương đại, tổ chức định kỳ hàng năm như Hội Tết dân tộc, Hội đèn lồng, Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung thu, Nét hoa nghề Hội An, Giao lưu Văn hóa Hội An - Nhật Bản, Những ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An... Ngoài ra, các sự kiện văn hoá thể thao của tỉnh như Festival Di sản Quảng Nam, Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế, hay các sự kiện quốc gia và quốc tế như các cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Trái Đất, hội nghị APec v.v… cũng được Hội An đăng cai tổ chức, đúng định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương thêm đa dạng, mở rộng, giao lưu, hội nhập văn hóa vùng miền và văn hóa đa quốc gia.

Đặc biệt, với những nét đặc sắc riêng có của vùng đất và con người Hội An trong những năm gần đây, Hội An luôn chào đón những nghệ sỹ, nghệ nhân trên mọi miền đất nước về với Hội An để sáng tạo văn hóa. Và nơi đây cũng đã dần dần hình thành nhiều mô hình, không gian sáng tạo văn hóa và bắt đầu trở nên nổi tiếng như: Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lune với các vở diễn À ố show, Tedar, Sương sớm. Công viên Ấn tượng Hội An với show diễn thực cảnh nổi tiếng “Ký ức Hội An”...

Ở vành đai không gian bên ngoài khu phố cổ, Hội An cũng phát huy thế mạnh tổng hợp của cảnh quan sinh thái, các di tích lịch sử văn hóa và đặc biệt là tập quán đời sống, sinh hoạt động đồng của cư dân bản địa để tạo nên các sản phẩm du lịch văn hóa đậm chất Hội An. Từ các làng nghề truyền thống đến các không gian cảnh quan di tích cách mạng, di tích lịch sử đều được khai thác các giá trị, phục vụ việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và du khách, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của đất và người Hội An.

2. Hiệu quả đạt được trong những năm qua

Trong những năm qua, những kết quả hoạt động trên các lĩnh vực văn hoá - văn nghệ, hướng dẫn tham quan ở Hội An đã góp phần tích cực vào sự nghiệp giữ gìn và phát huy nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng chính là động lực để góp phần phát triển mũi nhọn kinh tế du lịch của địa phương. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, kết hợp xu hướng văn hóa nghệ thuật đương đại đã mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về văn hoá, lịch sử, truyền thống. Cũng qua việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa đã góp phần tích cực vào việc tạo thêm việc làm và thu nhập cho cộng đồng. Đây là điều rất đặc biệt ở thành phố Hội An, cho thấy, một khi văn hóa truyền thống được phát huy đúng cách sẽ đem lại những giá trị lớn về kinh tế. Văn hóa cũng trở thành sản phẩm đem lại thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và còn góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Hội An đến với bạn bè du khách. Các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia đã mời Hội An giao lưu, hợp tác, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, như: Nhật Bản, Hồng Kông - Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Italia, Hungary và CHLB Đức…. Ngoài ra, các sản phẩm nghệ thuật của Trung tâm VH-TT và TT-TH cũng thường xuyên được Tỉnh, thành phố chọn cử đi biểu diễn tại các road show quảng bá du lịch Quảng Nam tại các tỉnh trong và ngoài nước. Thông qua những chuyến đi “mang chuông đi đánh xứ người” này, hình ảnh văn hóa, du lịch Hội An có dịp được quảng bá rộng rãi đến công chúng nước ngoài, đặc biệt là các thị trường du lịch tiềm năng của Hội An như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và các quốc gia Châu Âu khác.

 

Những kết quả cũng như uy tín đạt được trong việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hoá đã góp phần khẳng định Hội An là nơi có khả năng và có kinh nghiệm tổ chức tốt các sự kiện văn hoá truyền thống và đương đại. Như tạp chí Du lịch trực tuyến Smart Travel Asia có trụ sở tại Hồng Kông công bố kết quả bình chọn cho những lựa chọn du lịch hàng đầu Châu Á đã bình chọn Hội An nằm trong tốp 5 thành phố tổ chức Lễ hội tốt nhất, tạp chí Conde Nast Traveler của Mỹ bình chọn Hội An là 1 trong 10 thành phố du lịch hấp dấn nhất Châu Á, tạp chí Wanderlust có trụ sở tại Vương quốc Anh trao giải vàng cho Hội An-Thành phố yêu thích nhất thế giới, cùng nhiều giải thưởng, đánh giá xếp loại uy tín khác... Tất cả những nỗ lực trên cũng đã góp phần làm lượng khách du lịch đến tham quan di sản văn hoá thế giới Hội An tăng hàng năm bình quân 20%, kéo theo chi tiêu ngày càng tăng và vì thế thu nhập của các doanh nghiệp du lịch cũng như nhân dân không ngừng được cải thiện.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh, truyền hình Hội An

Go top