Nghệ thuật dân gian

Nghệ thuật dân gian

Định hướng xây dựng Hội An - thành phố sáng tạo (Kỳ 1)

Nâng tầm các sản phẩm từ văn hóa truyền thống

Nhận diện rõ tính đúng đắn khi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làm nền tảng để hình thành các sản phẩm du lịch trong thời gian qua, khi xây dựng thành phố sáng tạo, Hội An chọn lĩnh vực để thực hiện: là thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian.

Theo hướng này, Hội An sẽ vừa bảo tồn, vừa nâng tầm, phát triển các sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống để khai thác, phát huy, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội. Đây là việc hết sức quan trọng để giữ lại những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo của vùng đất này, góp sức làm đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đơn cử như sản phẩm “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ”, mỗi ngày đang được duy trì đã tăng khách đến với Hội An, các quày hàng lưu niệm, các nhà hàng quán ăn… đã kinh doanh buôn bán rất sầm uất, tạo được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân phố cổ, làm cho đời sống xã hội càng ngày càng phát triển. Hoặc như sản phẩm “Đêm Phố cổ” qua hơn 20 năm ra đời, đến nay đang tiếp tục được Thành phố duy trì, trau chuốt, đầu tư nâng tầm về chất lượng, tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, sáng tạo, lấy yếu tố văn hóa nghệ thuật truyền thống làm sản phẩm cốt lõi. Bằng việc khôi phục và nâng tầm các loại hình nghệ thuật, văn hóa dân gian, các sản phẩm du lịch văn hóa ở Hội An đang và sẽ góp phần tạo tiếng vang cho vùng đất di sản, tạo đất sống cho các loại hình văn hóa dân gian được hồi sinh. Các trò chơi bài chòi, nhạc cụ truyền thống, dân ca, hát bội, hò khoan đối đáp, xướng hoạ thơ Đường và kể cả các trò chơi dân gian như bịt mắt đập nồi, múa rối nước được “sống lại và trở thành một món ăn tinh thần cho người dân và du khách khi đến với phố cổ Hội An.

Riêng hình thức bài chòi, từ một trò chơi thường có trong đời sống cộng đồng nhiều năm trước đây, tưởng như đã thất truyền, giờ đang được Trung tâm VHTT –TTTH Hội An tổ chức hằng đêm trong phố, thu hút hàng triệu lượt khách dự xem, tham gia và hiện nay đã có thêm hình thức chơi bài chòi trực tuyến dành cho khách ở mọi nơi. Cũng chính nhờ những nỗ lực đó ở từng địa phương mà bài chòi đã góp phần trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và để duy trì được loại hình này, Trung tâm hiện nay đang thực hiện nhiều hoạt động tạo sức sống cho bài chòi trong cộng đồng như truyền dạy nghệ thuật bài chòi cho cư dân trong thành phố Hội An và kể cả tỉnh Quảng Nam, tổ chức thêm các hội thi, hội diễn bài chòi và đặc biệt là mở các lớp dạy hát dân ca nói chung cho trẻ em, tạo nguồn nhân lực kế cận, tiếp nối loại hình diễn xướng dân gian truyền thống, không để mai một, thất truyền bài chòi trong đời sống cộng đồng. Để từ đó, bài chòi còn mãi với thời gian, không chỉ hồi sinh mà còn thực sự đi vào đời sống cộng đồng, nâng tầm từ trò chơi thành các hình thức diễn xướng, được duy trì biểu diễn thường xuyên và chuyên nghiệp. Nhờ tổng hòa các loại hình nghệ thuật dân gian bên trong đề án nên sản phẩm Văn hoá - Du lịch  "Đêm phố cổ", đến nay đã thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng của Du lịch văn hoá Hội An; các hãng lữ hành trong nước và quốc tế đã thiết kế chương trình này vào tour tham quan của mình, hoạt động Đêm phố cổ đã thu hút được 10 ngàn lượt khách du lịch mỗi đêm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho cộng đồng dân cư Hội An và các doanh nghiệp du lịch. Hiện nay Trung tâm đang tiếp tục phát huy Nhà Biểu diễn Nghệ thuật cổ truyền Hội An, trở thành một “sân khấu” sáng tạo hàng ngày. Trung tâm đã sáng tạo xây dựng kịch bản, đưa các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống vào mỗi chương trình biểu diễn tại Nhà Biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, tạo một sản phẩm du lịch văn hóa nghệ thuật truyền thống thu hút du khách. Cùng với đó, Hội An đang chú trọng khôi phục và duy trì các lễ hội truyền thống, như Hội Tết cổ truyền dân tộc, Hội đèn lồng, Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung thu

Để nghệ thuật dân gian tiếp tục thẩm thấu và lan tỏa sâu hơn vào cộng đồng và trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đầy sáng tạo cần thêm những hướng đi mới kết hợp với việc ứng dụng công nghệ 4.0 để kết nối nghệ thuật gần hơn, nhiều hơn với khán giả; tăng cường quảng bá hơn nữa những giá trị độc đáo của nghệ thuật dân gian ra với thế giới, nâng cao vị thế trên các sân chơi quốc tế; cần tạo thêm nhiều không gian sáng tạo và để văn nghệ dân gian trở thành chất xúc tác đầy cảm hứng cho các lĩnh vực khác phát triển; có chính sách, chế độ đãi ngộ đào tạo, thu hút văn nghệ sĩ, gắn bó với nghề, sáng tạo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng…

Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An

Go top