Sự kiện nổi bật

Sự kiện nổi bật

Đẹp thêm phần hồn di sản Hội An

Việc tổ chức các sản phẩm văn hóa nghệ thuật thời gian qua không chỉ tạo sự đa dạng phong phú cho sản phẩm du lịch, đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần làm đẹp thêm phần hồn di sản, để đô thị cổ Hội An mãi xứng tầm là Di sản văn hóa thế giới của nhân loại.

Những ý tưởng sáng tạo…


Dịp chào mừng kỷ niệm 23 năm đô thị cổ Hội An được công nhận là DSVHTG, Trung tâm VHTT – TTTH TP Hội An đã ra mắt một chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên: “Hội An – Sắc màu của lụa”. Đây là lần đầu tiên chương trình nghệ thuật này được tổ chức trong không gian cổng chùa Bà Mụ, một di tích cổ được thành phố Hội An kỳ công phục dựng theo nguyên bản trước đây. Chương trình không chỉ tôn vinh nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống có từ lâu đời của người dân xứ Quảng mà còn là sự mở đầu cho một sản phẩm nghệ thuật được dàn dựng công phu, mới mẻ, phục vụ du khách trong thời gian tới.


Khi xem chương trình, ít ai ngờ rằng, trong một không gian như cổng chùa Bà Mụ, câu chuyện về Hội An trong quá khứ lại được kể một cách đầy chất nghệ thuật, nhẹ nhàng và sâu lắng, nhiều cảm xúc đến vậy. Với cách sắp đặt âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, trình diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang phù hợp, tương xứng với cảnh quan di tích, chùa Bà Mụ đã trở thành một sân khấu đẹp lung linh nhưng vẫn đậm chất cổ xưa, độc đáo, hoàn hảo và có hồn hơn. Sự phối cảnh hài hòa, phù hợp không chỉ làm cho các diễn viên thăng hoa với nghệ thuật, dệt nên câu chuyện về lụa, con đường tơ lụa Hội An, sự phát triển của thương cảng Hội An qua các thời kỳ mà còn toát lên vẻ đẹp trầm mặc, đầy hoài niệm của từng hạng mục trong di tích cổng chùa Bà Mụ. Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm VHTT – TTTH TP Hội An cho biết: Chương trình “Hội An – Sắc màu của lụa” sẽ được tổ chức tại đây nhằm phục vụ du khách trong thời gian đến. Chúng tôi rất kỳ vọng, chương trình biểu diễn định kỳ này sẽ tạo một sản phẩm đêm thật sự đặc sắc trong lòng phố cổ Hội An”.

Tiếng vang…


Trên thực tế, 23 năm nay, kể từ khi nhận sứ mệnh là Di sản văn hóa thế giới, Hội An với cương vị chủ nhà đã có nhiều biện pháp gìn giữ phát huy và nâng tầm giá trị di sản. Không chỉ trùng tu, tôn tạo, bảo vệ từng giá trị văn hóa vật thể, Hội An đã phát huy cao độ vai trò của văn hóa phi vật thể vốn có trong lòng di sản. Đặc biệt, từ lịch sử vùng đất này trong quá khứ, Hội An đã tạo rất nhiều sản phẩm trên cơ sở phục dựng hoặc tái hiện, làm nên các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc.

Có thể kể đến như chương trình biểu diễn nghệ thuật cổ truyền định kỳ hàng ngày tại nhà 66 Bạch Đằng, chương trình biểu diễn nghệ thuật bài chòi mỗi đêm trong phố, các sản phẩm độc đáo trong không gian văn hóa Hội An – Nhật Bản hay các sản phẩm riêng lẻ khác trong bộ sản phẩm tổng hợp đêm phố cổ… Ông Tống Quốc Hưng, Trưởng Phòng VHTT –TTTH TP cho rằng: “Tất cả đã được khai thác tối đa chất liệu văn hóa dân gian làm nền tảng cho các sản phẩm văn hóa được thăng hoa, trở nên nghệ thuật hơn, trình diễn phục vụ công chúng. Và chính những chương trình nghệ thuật đặc sắc này đã góp phần làm nên vẻ đẹp giàu chất nghệ thuật, tạo hồn cho di sản”.

Vốn quý từ con người…


Ý tưởng bảo tồn, lưu giữ và phục dựng các giá trị nghệ thuật cổ truyền để làm phần hồn cho di sản được hiện thực bởi nhiều thành phần xã hội, từ lãnh đạo thành phố đến quần chúng nhân dân, trong đó có lực lượng diễn viên. Nhiều năm qua, Hội An đã dày công chăm lo, đào tào bồi dưỡng và thu hút các nhân tố có năng khiếu, đam mê, tham gia trực tiếp vào các chương trình trình diễn nghệ thuật. Ở mỗi chương trình, cách trình bày, thể hiện của lực lượng diễn viên, nghệ nhân đều mang đậm chất Hội An, có những nét riêng, được kết tinh, hun đúc từ quá trình tập luyện và trình diễn lâu dài, bền bỉ, kỳ công, trở thành vẻ đẹp dễ nhận diện, khẳng định vị thế trong nghệ thuật trình diễn của Hội An. Đó cũng là lý do để Hội An thường xuyên được đặt hàng trình diễn trong các sự kiện lớn, mang tầm đối ngoại cũng như các chương trình giao lưu văn hóa phổ biến thường nhật hoặc định kỳ.

Ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm VHTT – TTTTH Hội An khi nhìn nhận về lực lượng diễn viên Hội An, những người trực tiếp góp phần tạo nên các sản phẩm văn hóa, tạo hồn cho di sản cho rằng: “Chúng ta đã trên dưới 30 năm để có lực lượng diễn viên như vậy. Nhìn vào chúng ta thấy các em đã làm nên một đặc trưng văn hóa, nói về du lịch thì đó là sản phẩm riêng có của Hội An. Chỉ nói riêng về nghệ thuật cổ truyền, dân gian Hội An đã làm nên những rạng rỡ tại chỗ và còn mang chuông đi đánh xứ người. Điều đó cho thấy các em đã đạt đến một trình độ thăng hoa, gần như một vốn quý của Hội An. Tôi tin rằng lớp lãnh đạo kế cận sẽ tiếp tục chăm lo và sáng tạo hơn nữa để nghệ thuật cổ truyền ngày càng thăng hoa, làm cho mãnh đất này càng ngày càng rạng rỡ”.


Như vậy có thể nói, việc phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có văn hóa nghệ thuật dân gian không chỉ góp phần tạo nên các sản phẩm du lịch văn hóa, phục vụ nhu cầu thưởng lãm của du khách mà còn góp phần thổi hồn nghệ thuật cho di sản văn hóa đô thị cổ Hội An. Từng ngày, từng giờ, Hội An luôn chắt chiu, gìn giữ, tiếp biến và nâng tầm các sản phẩm, phát huy nguồn nhân lực để sản phẩm đậm chất liệu dân gian, đậm đà bản sắc truyền thống của dân tộc và cũng là tiền đề để Hội An xây dựng thành phố sáng tạo từ chất liệu văn hóa truyền thống trong thời gian đến.

Bài và ảnh: Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An

Go top