Đến Hội An vào ban đêm, nhiều du khách mải mê với vẻ đẹp sâu lắng và nhẹ nhàng của phố. Đặc biệt vào đêm 14 âm lịch, ở đây mọi thứ dường như là câu chuyện khác, của một thế giới khác, so với thế giới hiện đại tất bật và hối hả. Trong không gian huyền ảo đưa du khách đến với những hoài niệm, lưu luyến bước đi chẳng đành.
Kể từ năm 1998, chính quyền Hội An bắt đầu tổ chức lễ hội đêm rằm 14 âm lịch hằng tháng. Đêm phố cổ là ý tưởng độc đáo, với mục đích phục dựng nguyên bản đời sống của người dân vào những năm đầu thế kỷ XX, với các hoạt động văn hóa đa dạng, đầy màu sắc như hát bội, cờ làng, thư pháp, trò chơi bài chòi, bịt mắt đập niêu, cờ tướng….
Trong đêm 14 âm lịch, du khách thường đến Hội An để thả hoa đăng trên sông Hoài cầu bình an, may mắn. Nhiều khách du lịch đôi ba lần trở lại Hội An, đều có ý muốn đặt chân đến vùng đô thị cổ này vào những lúc Hội An tổ chức "Đêm phố cổ". Sự kiện văn hóa này đã trở thành hoạt động đặc sắc hàng tháng mang tính thương hiệu - một hoạt động góp phần định danh cho bản sắc du lịch Hội An.
Dọc theo các tuyến phố, ánh đèn điện chìm khuất bởi màu sắc của đèn lồng treo khắp nơi. Trung tâm khu phố tắt hết ánh sáng trắng từ thiết bị điện. Phố cổ Hội An trầm lắng bên dòng sông Hoài. Tuy phố chứa lượng người đông đúc nhưng mọi thứ luôn chuyển động rất nhẹ nhàng, thư thái.
"Đêm phố cổ" đã và đang góp phần khơi dậy tinh thần gìn giữ và phát huy văn hóa của địa phương trong lòng mỗi người dân Hội An. Đây cũng là nền tảng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, các loại hình nghệ thuật dân gian. Đồng thời, sự thành công của "Đêm phố cổ" đã tạo nên một sản phẩm du lịch đặc trưng, mang dấu ấn riêng của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An.
Sắp tới, thành phố Hội An tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra những hoạt động, sự kiện mới lạ trong Đêm phố cổ để thu hút du khách về với Hội An, trải nghiệm và khám phá.
Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An