Hội An là vùng đất hội tụ nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, hình thành lâu đời trong quá trình lao động sản xuất của cộng đồng cư dân bản địa. Các thể loại bài chòi, hát bội, hò vè, hát bả trạo… gần gũi và phổ biến trong đời sống người dân. Trong đó nghệ thuật hát bả trạo là một vốn quý đến nay vẫn còn được lưu truyền, thành phố Hội An đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát triển.
Diễn xướng bả trạo tại Hội An
Vốn xuất phát từ điều kiện tự nhiên gần sông biển, nên tục thờ cá Ông (cá Voi) và các vị thần sông biển đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa dân gian Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Đó là sự thành kính, biết ơn với “Ngọc Lân Nam Hải” luôn giúp đỡ người dân trong những lúc hiểm nguy, bão tố để đưa thuyền đi biển về đến nơi an toàn. Xuất phát từ đời sống tinh thần, tín ngưỡng phong phú của cư dân vùng biển cùng khát vọng cầu bình an, hạnh phúc trong đời sống của người dân sống ở vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt, nên nét văn hóa này đã thịnh hành trong nhân dân và được nâng lên thành nghệ thuật bởi những sáng tạo, bổ sung và cải biên phù hợp trong từng điều kiện, hoàn cảnh.
Tái hiện động tác chèo ghe trên sông biển
Hát Bả trạo còn gọi là Hò Bả trạo, Chèo Bả trạo, Hò Đưa linh… là một loại hình diễn xướng dân gian tiêu biểu, đặc sắc trong lễ hội cầu ngư của ngư dân duyên hải Trung Bộ, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ. Bả là cầm, trạo là tay chèo. Bả trạo là cầm chắc tay chèo để đưa thuyền ra khơi đánh bắt mưu sinh. Đây là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm sự kết hợp giữa tuồng, hò, dân ca… Trong quá trình diễn xướng còn kết hợp một số điệu múa tượng trưng cho việc chèo ghe trên sông biển. Theo nhiều nghiên cứu, hình thức diễn xướng dân gian này xuất hiện khá sớm ở Hội An.
Đội hình hát bả trạo thường từ 12- 18 người (con trạo) chia đều ở hai bên và 3 ông Tổng ở giữa, tổng khoang, tổng lái và tổng mũi, thường mặc trang phục sặc sỡ, tay cầm cần câu hoặc gàu tát nước.
Ở Hội An hát bả trạo thường được tổ chức trong dịp tế lễ cá Ông, đua ghe đảo thủy đầu xuân hoặc trong lễ tế linh. Hát bả trạo thường được diễn xướng trên thuyền, ngoài ra còn diễn ra tại lăng thờ Cá Ông. Ngoài ra trong các chương trình nghệ thuật chuyên đề về văn hóa dân gian, thành phố Hội An luôn lồng ghép tinh tế hát bả trạo vào tổng quan chương trình nghệ thuật với trích đoạn, hình thức thể hiện mới lạ, các động tác múa, lời hát, ca từ vui nhộn, yêu cuộc sống ngay giữa biển khơi sâu thẳm, huyền bí, đôi lúc còn phải đối diện với những con sóng dữ nhưng tinh thần bình tĩnh, lạc quan vẫn luôn hiện diện.
Đoàn hát bả trạo trong lễ cầu ngư tại Cù Lao Chàm- Hội An
Chính những giá trị đặc trưng riêng có và giá trị nhân văn mang lại, nghệ thuật hát bả trạo Hội An ngày càng được quan tâm với nhiều giải pháp thiết thực. Hiện nay, Hội An đã gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, các loại hình nghệ thuật dân gian nói chung và hát bả trạo nói riêng càng có thêm điều kiện để bảo tồn và phát huy.
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thông- Truyền hình Hội An