Những dòng sông đã nhắc anh cách tìm kiếm hình thức mưu sinh, phát triển cho cộng đồng dựa vào chính văn hóa bản địa.
Mỗi năm, người miền Trung, người Quảng Nam lại một mùa chạy lũ. Nếu Việt Nam được cảnh báo là một trong năm nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất của biến đổi khí hậu, thì những tác động mạnh mẽ của thiên tai đến đời sống con người, có thể nhìn thấy rất rõ tại Quảng Nam, tại Hội An, đi vào cả văn hóa, lối sống. Có lẽ bởi vậy mà không thể thiếu vắng sự cộng hưởng, tìm đường từ những cá nhân đơn lẻ, những cộng đồng nhỏ, lan tỏa trong những nỗ lực chung để có thể sống “xanh”, sống hài hòa với thiên nhiên, gìn giữ môi trường.
Củi lũ - chỉ dấu từ những dòng sông
"Mình sinh ra bêndòng sông Cổ Cò.Khi mình ở trong một môi trường mà năm nào cũng bị bão lũ, năm nào cũng có bão lớn bão nhỏ, năm nào cũng có một lượng gỗ trôi xuống rồi người ta đem đi đốt, người ta vứt hết, cây cối thì gãy, biển thì lở,… khiến cho mình trăn trở. Khi một dòng đời, một cuộc sống trôi đi thì gần như không có cái gì để lại, nó trôi đi hết luôn, cũng giống như dòng văn hóa vậy. Nếu mình cứ để dòng lũ trôi đi, trôi luôn ra biển thì mình không có câu chuyện gì để nói cho thế hệ sau này…" - Thuận tâm sự.
Lê Ngọc Thuận sinh năm 1980, ở một vùng quê nghèo Hội An, bố mẹ là công nhân, ông nội làm nghề đi biển. Học xong cấp ba, khởi nghiệp từ làng chài An Bàng – làng biển nằm ngoại ô phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam về mô hình homesay từ năm 2012 với số vốn ít ỏi, từ việc trò chuyện với du khách nước ngoài hàng ngày, Thuận đã nhận thấy được sự cần thiết trong việc tái sử dụng những ngôi nhà ba gian cũ mang hồn quê làng chài và sử dụng vật liệu địa phương, nhất là những miếng củi do lũ kéo từ thượng nguồn về làm rác rến lấp đầy các bãi bồi.
"Mình đã dẫn dắt bà con làm, từ vệ sinh môi trường, lượm rác biển, theo con đường làm homestay. Mình và bà con đã đi vớt rác biển về, vớt các thanh củi, rồi lên mạng tìm hiểu xem thanh củi này làm được cái gì, thì tìm được thông tin có thể làm khung gương, móc treo quần áo, làm đèn ngủ rất đẹp, rồi đóng bàn đóng ghế, mà cái này thế giới đã đi rất lâu rồi. Điều đó ở Việt Nam chưa có, hoặc chưa nhiều, thì mình bắt đầu bắt tay vô làm phục vụ cho villa và cho homestay.
Mọi người thấy khách mình tới đông nên mọi người bắt đầu bắt chước, cả làng theo chỉ dẫn của mình cùng làm." - Thuận nhớ lại.
Nhặt củi dọc triền sông để tái chế, Thuận được bạn bè gọi chết danh “Thuận củi lũ”. Sau thời gian dài An Bàng đã được khách du lịch phương Tây đáng giá cao về tính nhân văn, tái sử dụng lại những thứ bỏ đi. Từ homestay ban đầu của Thuận, sau hơn chục năm, An Bàng trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Hội An. Nhưng với Thuận, như thế vẫn chưa trọn vẹn.
Sau những chuyến trở về từ cửa sông, Thuận thường tìm gặp những người anh em thợ mộc ở các làng nghề. Đau lòng khi thấy sự bất lực và nỗi buồn của những nghệ nhân lớn tuổi khi số cơ sở làng nghề ngày một ít dần, anh nghĩ tới cách thực hiện những sản phẩm có thẩm mỹ cao, có thể góp phần nào khôi phục nghề mộc Kim Bồng vốn lừng lẫy một thời. Anh bảo: "Những ngôi nhà trường tồn ở Hội An đến tận bây giờ, góp phần mang văn hóa ra thế giới và được công nhận bởi UNESCO, chính là nhờ bàn tay của người thợ Kim Bồng. Những nét điêu khắc, chạm khắc rất khủng như di sản dân gian để lại. Mình tự thấy giờ khi đã có đủ điều kiện, có đủ tố chất, con người, có đủ mọi thứ cần mà không làm để bảo tồn lại cho thế hệ sau thì rất đáng hổ thẹn."
Từ Làng củi lũ, ước mơ hồi sinh mộc Kim Bồng...
Những thanh củi từ thượng nguồn trôi theo dòng lũ về biển như chỉ báo những cánh rừng đang chết dần, đất đai đang xói mòn, thiên tai tàn khốc hơn. Và những dòng sông đã nhắc anh cách tìm kiếm hình thức mưu sinh, phát triển cho cộng đồng dựa vào chính văn hóa bản địa.
Thuận nhìn ra xa hơn, ngược theo những ký ức của những dòng sông đã neo lại dọc theo các bãi bờ. Anh khát khao muốn người dân Quảng Nam kể được câu chuyện văn hóa của mình với thế giới, khi biến các tác phẩm thủ công thành nghệ thuật, để miền văn hóa này thực sự sống động trong nhịp sống hàng ngày: "Ở Quảng Nam có dòng sông Thu Bồn mang văn hóa rất sâu, chảy từ thượng nguồn bắt đầu từ nơi ở của người Cơ Tu về tới Hội An. Trên dòng sông đó, mình nghĩ bắt đầu từ lấy văn hóa Cơ Tu, chạy dọc qua gặp văn hóa Chăm Pa (bao gồm Mỹ Sơn) rồi chạy dọc theo dòng sông xuống đến phố cổ Hội An trước khi ra Cửa Đại, ra biển. Mình sẽ nối ba dòng chảy thời gian thành một dòng văn hóa, để khi tạo ra tác phẩm mình có câu chuyện để mình nói với người nước ngoài, nói với bạn bè trong nước."
Bởi vậy, khi dịch bệnh covid làm ngưng mọi hoạt động xã hội, ngành du lịch, đời sống xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, Thuận không than vãn khó khăn mà dùng thời gian đó tập trung nghiên cứu về văn hóa Cơ Tu, tìm cách hồi sinh cho nghề mộc Kim Bồng, và sâu xa hơn: từ đó hồi sinh rừng.
"Chuyện dùng những thanh gỗ của người Cờ Tucó một điều rất hay mà tôi vẫn theo dõi và đang làm: đó là người ta không phá rừng để đục đẽo. Nhưkhi người ta muốn làm một cái tượng,thì gỗ là gỗ gãy từ rừng hoặc gỗ trong rừng trồng. Khi dùng gỗ tự nhiên để làm nhà mồ hay bất cứ một cái gì quan trọng trong cộng đồng, người Cờ Tu phải thắp hương vàxin lại các thần linh." - Anh kể
Thuận nói, tìm hướng đi khác cho nghề mộc Kim Bồng,nhưng anh muốn điều gốc rễ là thay đổi nhận thức từ chính người dân bản địa, kể cả những người làm nghề mộc về việc bảo vệ rừng, tái sinh rừng, khi chỉ được phép sử dụng gỗ tái chế và gỗ rừng trồng. để họ sẽ là những nhân tố lan tỏa một xu hướng mới, về cách sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và khoa học: "Đó sẽ là câu chuyện đưa Kim Bồng ra thế giới bằng cách khác, cũng dựa trên nền tảng những người thợ Kim Bổng nhưng xây dựng một ngôi làng mới, đó là Làng Củi Lũ. Để khi gia nhập quốc tế, đứng với người ta trên cương vị là mình cùng với người ta bảo vệ thiên nhiên, cùng bảo vệ thế giới này, dựa trên nền tàng văn hóa, đưa văn hóa vào trong những căn nhà hiện đại, giống như ông bà ngày xưa đã đưa điêu khắc và văn hóa vào những ngôi nhà cổ."
Câu chuyện về ba miền văn hóa được kể từ dòng sông mẹ Thu Bồn đã và đang được Thuận triển khai, bắt đầu từ văn hóa Cơ Tu, rồi sẽ xuôi dòng về Mỹ Sơn và Hội An. Và Thuận muốn xây dựng một bảo tàng để kể cho khách thăm quan về củi lũ, kể về về những cành những cây ngã rạp từ thượng nguồn, bị lũ cuốn trôi qua bao ghềnh thác về xuôi, lại được hồi sinh trong một dạng thức khác, nhắc nhở một cách sống khác: đó là trồng rừng và sử dụng gỗ rừng trồng, bảo vệ rừng tự nhiên.
"Mình đã lên kế hoạch về Làng Củi Lũ, làm sao để kết nối văn hóa Làng Củi Lũ ở Hội An và Làng Củi Lũ Cơ Tu, bởi mỗi tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn thuần để ngắm mà còn phải đưa nó lên thành kinh tế, làm sao để người dân được hưởng lợi trên văn hóa đó, dựa trên những cái người ta đang có.
Song song câu chuyện củi lũ nhưng ẩn phía sau là sử dụng những loại gỗ mà người dân trồng, như lcủi quế làm ra nhiều tác phẩm rất hay, nhỏ gọn và khách du lịch rất thích. Gỗ xà cừ, gỗ keo không đâu nhiều như ở Quảng Nam, và nguồn gỗ người dân trồng đang bán rẻ đi, xuất khẩu đi, xay vụn ra, bây giờ mình tạo thành tác phẩm.
Tôi muốn dần dần đào tạo cộng đồng, để người dân học cách của mình, về quê gia công và chuyển xuống để mình bán. Không chỉ dừng lại ở những tác phẩm là củi mà phải đi xa hơn là về kinh tế, làm sao để Quảng Nam một ngày không xa trở thành một nơi sản xuất gỗ thủ công, làm rất nhiều mẫu mã để xuất đi nước ngoài. " - Lê Ngọc Thuận tâm sự.
...đến Dự án Công viên nghệ thuật tái chế
Hướng đi đó của Thuận, được lan tỏa qua truyền thông, đã có sự góp sức của những người bạn mới, những người nổi tiếng như họa sĩ Lê Thiết Cương, khi đừng ra đặt hàng anh tham gia cùng triển lãm điêu khắc Con giống tại ba miền, lan tỏa vẻ đẹp nghệ thuật tái chế từ củi lũ. Thuận lên ý tưởng, nhặt gỗ về và trực tiếp phác thảo ý tưởng, màu sắc cho cho anh em thợ thao tác. "Rất nhiều thanh củi đã thật sự truyền thần dưới bàn tay thợ mộc Kim Bồng."
Lê Tăng Toàn, một người thợ trong nhóm của Thuận nói: "Nghề này khác trước đây là luôn sáng tạo nên cuộc sống rất vui. Về lâu dài trong nghề chúng tôi cũng sẽ đào tạo cho trẻ em vùng sâu vùng xa và những người chưa có việc làm để có thể nối nghề"
Đến tham quan triển lãm Con giống tại Hà Nội, Tuấn Jeon – một Vlog trẻ nổi tiếng người Hàn chia sẻ, cậu nhận thấy niềm vui từ những tác phẩm nghệ thuật tái chế tiếp nhận từ vốn văn hóa dân gian này: "Em là một người nước ngoài nên không thể nào hiểu hết được văn hóa Cơ Tu, nhưng đến đây và xem các tác phẩm em thấy rất đặc biệt. Có rất nhiều tác phẩm ở đây, nhưng em thấy tác phẩm của anh Thuận rất tươi sáng."
Thuận cũng biết con đường khó khăn ở phía trước, nhưng anh tin vào sự lan tỏa của nó, vì bây giờ bên anh có niềm tin của những người thợ, có sự động viên, giúp sức của những người đồng chí hướng . “Đây là năm thứ 2 triển khai kế hoạch Kim Bổng - Củi Lũ, được cái may mắn là quần chúng và chính quyền Hội An đang theo dõi”. Thuận được bầu làm Chủ tịch Quỹ Sáng Tạo ra đời từ CLB Khởi nghiệp Sáng tạo Đổi mới của thành phố Hội An, từ tháng 12/2021. Quỹ đã có đề án trình thành phố, về việc thực hiện một công viên nghệ thuật tái chế dọc theo dòng sông Cổ Cò, mang đến những câu chuyện văn hóa mới cho công chúng:
"Khi trình bày ý tưởng Công viên nghệ thuật tái chế thì chính quyền rất hỗ trợ. Điều đó rất mừng vì mỗi cái đều phải từ từ chứ không phải một, hai ngày là được. Niềm tin của tôi là, rồi sẽ làm được. Chính quyền phát động những chương trình bảo vệ môi trường. Nhưng tôi nghĩ là mình không thể dừng lại chỉ ở việc vớt rác hay dọn rác, mà từ rác đó phải trở thành một tài nguyên trong tương lai của Quảng Nam, luôn luôn nhìn đâu cũng có thể tạo ra được tác phẩm và làm ra được những giá trị cho cộng đồng." - Lê Ngọc Thuận nói.
Những dòng sông đưa củi lũ về bên bãi bồi.
Tái sinh vòng đời của chúng, Thuận nói, anh thực sự muốn Củi lũ thành “đại sứ nghệ thuật tái chế Việt Nam”.
Rác thải, hay là củi lũ.., từ những phế phẩm trở thành những tác phẩm nghệ thuật, thay Lê Ngọc Thuận và những người bạn cùng chí hướng, kể lại cho người nghe những câu chuyện về văn hóa, về con người của một vùng đất thiên tai khắc nghiệt đang học cách chung sống hòa đồng với thiên nhiên.
Nói như PSG TS Đỗ Thị Thanh Thủy, chuyên gia Ban thực hiện Đề án thành phố Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO, thì: "Mỗi tác phẩm mỹ thuật tái chế từ củi lũ và gỗ phế phẩm của Thuận với câu chuyện, tính độc đáo và sự biểu cảm nghệ thuật, không cần một tuyên ngôn đao to búa lớn nào nhưng tự thân nó, từ chất liệu, câu chuyện có khả năng tạo nên sự rung động và thức tỉnh nhận thức của người xem về việc cần phải tôn trọng môi trường sống, tôn trọng thiên nhiên, về sức mạnh của sự sáng tạo là vô hạn và sức hút của giá trị văn hóa dân tộc.”
Bài viết: VOV- Đài tiếng nói Việt Nam
Ảnh: Lê Ngọc Thuận