Cứ vào dịp tối mùng Một, ngày Rằm hằng tháng Âm lịch, Phố cổ Hội An lại khoác lên mình diện mạo mới huyền ảo, lung linh trong ánh đèn lồng.
Ý nghĩa đèn lồng Hội An thể hiện sự tỏa sáng. Người dân xứ Quảng coi ánh đèn như là biểu tượng của con người. Vì vậy, khi cúng dâng đèn ở điện thờ, người dân tin rằng, mình được thần linh che chở. Ngoài ra, đèn lồng còn có ý nghĩa qua màu sắc, ví dụ như đèn lồng màu đỏ biểu tượng cho sự may mắn, sung túc.
Với ý nghĩa ấy, những đêm đèn lồng lung linh huyền ảo trong không gian cổ xưa ở Phố Hội luôn mang đến một cảm giác thích thú và mới mẻ cho du khách. Nhiều năm qua, từ 18h đến 22h những ngày mùng Một, ngày Rằm, những con phố Hội An luôn rực rỡ sắc màu với ánh sáng lung linh từ những chiếc đèn lồng.
Người đã làm sống lại một Hội An lung linh huyền ảo, rực rỡ về đêm trong ánh đèn lồng là Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba. Ông là người đi tiên phong phục chế hình dáng của những chiếc đèn lồng có từ mấy trăm năm trước, khi Hội An còn là thương cảm sầm uất, thu hút thương nhân từ Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước đến tụ hội.
Cũng chính Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba là người phục chế đèn lồng với khung tre và bọc vải, mang nét riêng có của Hội An.
Ngày nay, những chiếc đèn lồng Hội An đã được hoàn thiện tinh xảo và đẹp hơn. Nghề làm đèn lồng cũng trở thành một nét đặc trưng riêng của phố cổ và là điểm nhấn du lịch Hội An, gây ấn tượng mạnh đối với du khách tham quan.
Chính những ấn tượng đó đã khiến giờ đây, mỗi khi nghe nhắc đến đèn lồng, nhiều người đã nghĩ ngay đến những chiếc đèn lồng rực rỡ, nhiều màu sắc được treo khắp phố, trên những ngôi nhà, trên các bảng hiệu ở Hội An.
Và như thế, những chiếc đèn lồng là minh chứng cho một sức sống mạnh mẽ, trường tồn với thời gian và trở thành một nét đặc trưng của Phố Hội.
Nguồn: Báo Mới