Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) tính đến nay có hơn 300 thành viên từ 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Hà Nội là đại diện duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm bây giờ đã được công nhận là thành phố sáng tạo toàn cầu về lĩnh vực thiết kế. Vào năm 2023, Bộ VH-TT và DL đã chọn Hội An là đại diện tiếp theo của Việt Nam tham gia ứng cử hồ sơ gia nhập UCCN.
Khu phố cổ Hội An- Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Tấn Điểu
Lựa chọn lĩnh vực Nghề thủ công và Nghệ thuật dân gian
Là một vùng đất có lịch sử lâu đời, trải qua thời kỳ phát triển vàng son là thương cảng quốc tế tại Việt Nam, sự sáng tạo của người Hội An đa dạng, tập trung trên nhiều lĩnh vực, từ ẩm thực, văn hóa, lịch sử đến việc tổ chức lễ hội, sự kiện… Trong đó, Hội An lựa chọn Nghề thủ công và Nghệ thuật dân gian tham gia vào UCCN, đây chính là thế mạnh nổi trội của vùng đất này.
Một góc lò nung gốm Thanh Hà, Hội An. Ảnh: Visit Hoi An
Hiện nay, Hội An có 658 doanh nghiệp, cơ sở lớn nhỏ hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Các làng nghề truyền thống ở Hội An được hình thành từ khá sớm dưới bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của những cư dân từ vùng Bắc Trung bộ Việt Nam di cư vào. Làng gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế… đã trải qua thời kỳ phát triển rực rỡ, đóng góp lớn vào sự phát triển thịnh vượng của thương cảng quốc tế Hội An ở thế kỷ 16,17. Các sản phẩm từ làng nghề Hội An theo các thuyền buôn, thương lái phiêu du trong và ngoài nước.
Trải qua nhiều biến thiên, nay các làng nghề phần lớn được hồi sinh từ các hoạt động du lịch chú trọng quay về các giá trị truyền thống, các tour tuyến du lịch làng nghề. Tuy nghề thủ công tại Hội An còn manh mún, nhỏ lẻ nhưng đã thật sự sống được và có thể phát triển mạnh mẽ hơn nếu tiếp tục có nhiều chính sách phù hợp.
Bài chòi Hội An thật sự sống động trong đời sống nhân dân. Ảnh: Visit Hoi An
Hội An còn là xứ sở của những câu hò, điệu lý, các sinh hoạt tập tục văn hóa truyền thống, đa dạng phong phú. Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam- di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hiện Hội An là nơi bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị của bài chòi, thật sự sống động trong đời sống văn hóa địa phương.
Nhiều câu lạc bộ, đội nhóm tại thành phố và các xã phường hoạt động trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật dân gian. Hội An hiện có 01 Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền với hơn 40 diễn viên và nhạc công truyền thống, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lune Hội An, Nhà hát Đảo ký ức Hội An có hơn 700 diễn viên cùng các nhiều Trung tâm, đơn vị tổ chức hoạt động nghệ thuật khác. Đặc biệt Hội An là mảnh đất có khả năng thu hút rất nhiều nghệ sỹ hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo đến với Hội An để hình thành cộng đồng sáng tạo, sáng tác và góp phần phát huy các giá trị của nghệ thuật dân gian. Đây chính là thế mạnh của thành phố trong kết nối dựa trên sự sáng tạo gắn với tiềm năng của địa phương.
Chính thức gia nhập UCCN, Hội An được gì?
Ngành du lịch Hội An đã trải qua thời kỳ huy hoàng, đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam nói chung. Là nơi hội tụ nhiều lợi thế, tiềm năng về “ngành công nghiệp không khói”, trong nhiều năm qua, ngành du lịch Hội An phát triển vượt bậc, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho cộng đồng nhân dân.
Hội thảo về Thành phố sáng tạo tại Hội An
Để làm được những điều đó không chỉ dựa vào cơ may của một nguồn tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa vốn có, mà còn ở sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo trong suốt quá trình lao động, làm việc của cộng đồng cư dân địa phương.
Tuy nhiên, khi xã hội đã và đang đổi thay sau nhiều biến động của thời cuộc, Hội An cần thay đổi và chuyển mình theo. Trong đó, các định hướng phát triển kinh tế, xã hội, tạo sinh kế cho nhân dân được xác định là yếu tố trọng tâm. Việc gia nhập "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO" là một cơ sở quan trọng trong việc phát triển vững bền, gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế để tạo nên nhiều triển vọng mới trong tương lai. Với kinh nghiệm từ các thành phố thành viên đã gia nhập, Hội An tiếp thu những giá trị tốt đẹp mà các thành phố, quốc gia khác đã tạo dựng, linh hoạt vận dụng vào mô hình phát triển riêng biệt của Hội An.
Hội thảo quốc tế TPST tại Hội An
Thông qua đây, Hội An tăng cường khả năng huy động được nguồn lực, tri thức rộng mở, bắt nhịp tốc độ phát triển của thế giới đương đại. Và cũng chính là cơ hội tập trung cho các hoạt động về văn hóa, nghệ thuật vốn là việc mà Hội An đã và đang thực hiện, lấy văn hóa làm cốt lõi trong tiến trình phát triển. Thế hệ trẻ Hội An sẽ có cơ hội học tập, nhân rộng các mô hình sáng tạo, tạo tiền đề cho việc khởi nghiệp thành công.
Hội An với nhiều chương trình nghệ thuật sáng tạo. Ảnh: Visit Hoi An
Khi được gia nhập vào UCCN, các nguồn lực, thế mạnh về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người Hội An được phát huy tối đa và đúng hướng. Là cơ sở để thành phố tập trung vào các chính sách bảo tồn, phát triển lĩnh vực văn hóa sâu rộng hơn. Khi chính thức gia nhập, thành phố cần thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, tối ưu hơn để phát huy hiệu quả và tránh việc thất truyền các ngành nghề thủ công truyền thống cũng như là các bộ môn nghệ thuật dân gian quý hiếm, trao truyền lại cho thế hệ mai sau nguồn tài nguyên quý giá được cha ông xây dựng.
Với tất cả những cơ hội và triển vọng trên khi đặt chân vào UCCN, Hội An sẽ hoàn thành tốt những cam kết, sáng kiến đã đăng ký với UNESCO trong quá trình đệ trình hồ sơ, hướng tới bảo vệ lợi ích cho người dân, đặc biệt các nhóm người yếu thế của xã hội, phụ nữ, trẻ em. Bên cạnh đó các quyết sách phát triển của thành phố Hội An luôn kiên định mục tiêu vì nhân dân và hướng tới một thành phố sáng tạo trên nền văn hóa truyền thống đã xây nên từ hàng trăm năm qua.
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An