Trên một số báo đầu năm 2024 của tờ USA Today, Christopher Elliott, một blogger nổi tiếng người Mỹ, chia sẻ rằng, Hội An (Việt Nam) là bất ngờ lớn nhất của ông trong chuyến du hành vòng quanh thế giới trong năm 2023… Quả thực, đô thị cổ di sản thế giới luôn thu hút khách muôn phương và cũng là điều mà chính quyền và người dân phố Hội luôn trân trọng, giữ gìn.
Một thoáng Hội An. Ảnh: Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An
Theo hành trình chiếm trọn 365 ngày của năm 2023, C.Elliott đã đến nhiều thành phố ở các quốc gia như Qatar, New Zealand, Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Australia, Việt Nam và vùng Nam Cực. Trải nghiệm đô thị cổ Hội An vào dịp tháng 5/2023, trên trang Elliott Confidential, nhà du hành chia sẻ: “Tôi đã dành một ngày cuối tuần dài ở Hội An, miền trung Việt Nam và đến giờ tôi vẫn ấn tượng bởi vẻ đẹp tự nhiên của nơi này, với những ngọn núi tươi xanh và bãi biển đẹp như tranh vẽ.
Hội An là thành phố cổ có nhiều đền chùa với lịch sử phong phú và chịu ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác nhau, bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây. Du khách tới đây đừng bỏ qua trải nghiệm xuống chợ và ra sông Thu Bồn vào lúc hoàng hôn, khi những con thuyền trôi xuôi với những chiếc đèn lồng rực rỡ mầu sắc...”.
Di tích Cổng Chùa Bà Mụ, Hội An. Ảnh: Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An
Đáng chú ý, theo ghi nhận của bạn đọc tạp chí này, Hội An đứng thứ ba, chỉ sau hai thành phố của Mexico. Travel and Leisure đánh giá: “Hội An được mệnh danh là viên ngọc nhỏ. Nếu thích mua sắm, bạn có thể dễ dàng đặt hàng. Với những người thích ẩm thực, Hội An có nhiều đầu bếp giỏi có thể đáp ứng các sở thích về ăn uống. Một điều tuyệt vời là nội vùng phố cổ hạn chế xe cộ đi lại, vì vậy người ta có thể đi bộ trên các con phố đến các cửa hàng và chợ. Thành phố có bầu không khí đẹp, nằm ngay bên một con sông”.
Từ trần thuật của Travel and Leisure, tôi nhớ lại sự ghi nhận của nhà báo Same Weuter về Hội An trên tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Conde Nast Traveler hồi mấy năm trước: “Du khách yêu mến những ngôi nhà đầy mầu sắc và những dinh thự cổ kính, chúng tạo cho họ cảm giác như đang đi trong phim...”. Năm 2023, Hội An cũng được một tạp chí của Hồng Kông (Trung Quốc) đưa vào danh sách là một trong 9 điểm đến tuyệt vời. Lý do chọn Hội An, theo tạp chí này là điểm đến rất phù hợp với nhu cầu của khách, từ tham quan, mua sắm đến nghỉ dưỡng, tắm nắng trên bãi biển…
Bãi biển Cửa Đại. Ảnh: Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An
Đến Hội An lần đầu, nhà du hành Christopher Elliott tỏ ra bất ngờ, nhưng chúng ta thì không bất ngờ với những khảo sát, những cảm nhận, đánh giá tốt đẹp của bạn bè quốc tế đối với Hội An. Bởi Hội An là một tên gọi ấn tượng đã được lưu vào trí nhớ của những người đam mê trải nghiệm, khám phá.
Thời hiện đại, khi mà đời sống có những biến động mới mẻ, những thay đổi làm cho ta choáng ngợp thì hành trình trở về với những giá trị xưa cũ, được sống trong không gian hoài niệm, thả trí tưởng tượng về những thời đã qua ở một nơi chốn nào đó bỗng nhiên bắt gặp sẽ cho mọi người cảm giác thú vị.
Đô thị cổ này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của khách du lãm. Giá trị ấy được người phố Hội tạo dựng bằng một thương hiệu du lịch nổi tiếng, nhưng trước hết, lịch sử của đô thị vốn là một thương cảng quốc tế từ hàng trăm năm trước được giữ lại hiện trạng khá nguyên vẹn chính là sức hấp dẫn không thể cưỡng nổi...
Trở lại lịch sử. Tiền nhân nước ta đã chọn vùng đất có hình thế tuyệt đẹp bên cửa Đại Chiêm làm nơi đón làn gió ngoại vào xứ sở nhiệt đới bên bờ đại dương từ sớm. Hơn năm thế kỷ trước, Hội An đã là một thương cảng sầm uất bậc nhất xứ Đàng Trong. Thương thuyền Á-Âu vào ra tấp nập, các dịch vụ giao thương sôi động trên “con đường tơ lụa” của hải trình xuyên Á. Năm 1535, thuyền trưởng Antonie de Farie của tàu Albuquenque xứ Bồ Đào Nha đã ghé vào vùng duyên hải này và thấy: “Một thành phố có tường bao quanh gần 10.000 nóc nhà, có 40 thuyền buồm lớn, đến hai hay ba cầu tàu và chung quanh có khoảng 2.000 thuyền buồm với nhiều kích thước khác nhau”.
Antonie de Farie chưa phải là lớp thương nhân phương Tây đầu tiên đến Hội An để mua tổ yến, trầm hương, vải lụa, tơ, gỗ, quế, đường... và trao đổi sành sứ, bạc thoi, diêm sinh, lưu huỳnh, chì, kẽm, vải nỉ... Trước đó, người Hà Lan đã có hiệp định buôn bán với chúa Nguyễn qua thương cảng Hội An. Pháp, Anh cũng đặt các văn phòng, mở các thương điếm để quản lý hoạt động ngoại thương ở cửa biển này. Dấu ấn rõ nét nhất tại cảng thị Hội An là của thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản.
Christoforo Borri, một nhà truyền giáo dòng Tên quê xứ Milan nước Ý đã cập cảng Hội An năm 1618 và ghi chép trong cuốn “Xứ Đàng Trong năm 1621”: “Chúa Nguyễn đã cho phép người Trung Quốc và Nhật Bản làm nhà cửa theo tỷ lệ với số người của họ để dựng lên một đô thị. Đô thị này gọi là Faifo và nó khá lớn. Chúng ta có thể nói có hai thành phố, một của Trung Quốc, một của Nhật Bản. Họ sống riêng biệt, đặt quan cai trị riêng và theo phong tục tập quán của mỗi nước”.
Đó là kết quả của chính sách mở mà chúa Nguyễn đã áp dụng tại cảng thị Hội An. Quá khứ ấy đã tạo nên một Hội An - vùng đất của hội nhập, giao thoa và tiếp biến văn hóa vô cùng độc đáo ở một đất nước từng trải qua chiều dài lịch sử theo chế độ phong kiến với chính sách “bế quan tỏa cảng” đặc trưng.
Một ngôi nhà cổ đẹp tại Hội An. Ảnh: Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An
Quả đúng vậy. Hình ảnh Hội An hôm nay vẫn lưu dấu rõ nét về một thời gặp gỡ của các nền văn hóa Đông-Tây. Có thể thấy ở đô thị này hôm nay còn lưu dấu bóng hình của người Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan, Trung Hoa, Nhật Bản... qua sự hiện diện của các công trình kiến trúc, những sắc màu văn hóa, những làng nghề và cả sự ảnh hưởng trong phép xử thế và lối sống cư dân. Trên vài cây số vuông của khu phố cổ, bắt gặp biết bao hình ảnh bến cảng, cầu, đình, chùa, nhà thờ, hội quán, lăng mộ, phố xá, các chứng tích văn hóa Việt, Chăm cùng Trung Hoa, Nhật Bản và các nước phương Tây.
Người khám phá sẽ ngập chìm trong vô vàn trạng thái cảm xúc vừa lạ vừa quen khi xuôi ngược dọc ngang phố cổ. Đối diện với đô thị cổ là đang tự cởi mở tâm hồn để đối thoại với đa chiều biểu hiện của các nền văn hóa cổ-kim, Đông-Tây.
Đến với phố Hội, khách được níu giữ những khoảnh khắc nhân văn từ thời quá vãng. Cùng đó là hình ảnh sống động của cư dân thành phố đang tích cực đón làn gió mới với đường nét hiện đại, cởi mở. Cơ duyên gặp gỡ từ lịch sử đã giúp Hội An tinh thần hội nhập hết sức tự nhiên. Bởi vậy cho nên, “Hội An càng già đi lại càng có giá”. Đó là lời nói ngẫu hứng của một đồng nghiệp sau khi anh mô tả những dòng suy tưởng rất sâu về những mảng tường rêu mang sắc màu hoài niệm đặc trưng của đô thị cổ...
Tôi đã đến và trải nghiệm với Hội An không biết bao nhiêu lần và được ghi nhận về nơi chốn này rất nhiều điều khác lạ. Những mùa cao điểm du lịch, nếu đến với đô thị này sẽ có cảm nhận ở đây như một thế giới khác mà hình ảnh đặc trưng là mật độ đông đảo du khách nước ngoài mỗi ngày trên phố. Khách và chủ giao lưu trong một mối thân thiện. Khách chủ động, tự nhiên tham gia vào các hoạt động văn hóa, dân sinh của người địa phương. Không ít khách từng đến và trở lại nhiều lần.
Có người không cưỡng nổi tình yêu thành phố bên bờ sông Hoài cho nên đã ở lại làm con dân của phố. Tôi đã từng hân hạnh làm quen với một họa sĩ người Pháp, một doanh nhân người Ý và một nhạc công người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc ở đây. Họ từng là khách du lịch nhưng bây giờ đã trở thành cư dân Hội An khi tham gia họp tổ dân phố hằng tháng và cùng những người hàng xóm cúng lễ Tất niên hằng năm. Họ đến và đã ở lại để tận hưởng những cung bậc cảm xúc thú vị của phố cổ. Thế mới biết, Hội An hấp dẫn đến mức nào…
Điều rất đáng ghi nhận là từ lâu, người phố Hội đã nhận thức được giá trị của quê hương mình-một đô thị di sản được thế giới vinh danh. Họ cũng tiếp nhận tiến trình hội nhập một cách tự nhiên như lịch sử vốn dĩ đã kiến tạo từ mấy thế kỷ trước. Khác với một số nơi khác, khách du lịch quốc tế đến Hội An ít khi va phải những cú sốc văn hóa và người địa phương cũng ứng xử với khách bằng một sự hòa hợp tự nhiên.
Với Hội An, du khách không chỉ là người ghé qua mà là ân nhân, cả chính quyền và người dân ở đây đều nhận thức như vậy. Khách luôn được đón tiếp bằng tất cả tấm lòng chứ không theo kiểu “ăn xổi, ở thì” thường thấy nhiều nơi khác. Làm du lịch ở Hội An, người dân là chủ thể. Quyền lợi của họ không mâu thuẫn mà gắn kết hữu cơ với lợi ích chung; niềm tự hào về quê hương đồng hành với đời sống ngày càng được cải thiện thì người dân chính là chủ thể chính trong việc bảo vệ thương hiệu xứ sở của mình.
Cầu An Hội, Hội An. Ảnh: Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An
Một thành công mới, năm 2023, Hội An là một trong hai đại diện tiếp theo của Việt Nam (cùng thời điểm với thành phố Đà Lạt), chính thức được UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian. Đây là một sự ghi nhận công tâm. Ở đô thị cổ này hiện có năm làng nghề với gần 50 ngành nghề truyền thống đang được bảo tồn, phát triển cùng với những giá trị nghệ thuật đa sắc màu được người dân nơi đây lưu giữ và cống hiến cho công chúng thưởng lãm như đàn hát, dân vũ đường phố, hò khoan, dân ca-bài chòi, truyền dạy hát tuồng, các phòng tranh, triển lãm và các chương trình nghệ thuật như biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An, Đêm phố cổ, Hành trình di sản...
Thành phố hiện có tới 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập 3.500-4.000 USD mỗi năm từ các lĩnh vực này.
Với Hội An, du khách không chỉ là người ghé qua mà là ân nhân, cả chính quyền và người dân ở đây đều nhận thức như vậy. Khách luôn được đón tiếp bằng tất cả tấm lòng chứ không theo kiểu “ăn xổi, ở thì” thường thấy nhiều nơi khác. Làm du lịch ở Hội An, người dân là chủ thể. Quyền lợi của họ không mâu thuẫn mà gắn kết hữu cơ với lợi ích chung; niềm tự hào về quê hương đồng hành với đời sống ngày càng được cải thiện thì người dân chính là chủ thể chính trong việc bảo vệ thương hiệu xứ sở của mình.
Một thành công mới, năm 2023, Hội An là một trong hai đại diện tiếp theo của Việt Nam (cùng thời điểm với thành phố Đà Lạt), chính thức được UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian. Đây là một sự ghi nhận công tâm. Ở đô thị cổ này hiện có năm làng nghề với gần 50 ngành nghề truyền thống đang được bảo tồn, phát triển cùng với những giá trị nghệ thuật đa sắc màu được người dân nơi đây lưu giữ và cống hiến cho công chúng thưởng lãm như đàn hát, dân vũ đường phố, hò khoan, dân ca-bài chòi, truyền dạy hát tuồng, các phòng tranh, triển lãm và các chương trình nghệ thuật như biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An, Đêm phố cổ, Hành trình di sản...
Thành phố hiện có tới 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập 3.500-4.000 USD mỗi năm từ các lĩnh vực này.
Bài viết của Uông Thái Biểu trên Báo Nhân dân