Sản phẩm du lịch

Sản phẩm du lịch

Cẩm Châu: Kết hợp nông nghiệp truyền thống và du lịch, dịch vụ

Từ một địa bàn chỉ thuần nông nghiệp, người dân chỉ biết bám đồng ruộng để làm ăn sinh sống, thì nay cơ cấu kinh tế Cẩm Châu đã có chuyển dịch mạnh mẽ và đúng hướng, theo xu thế lấy nông nghiệp làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch-dịch vụ-thương mại, người dân thoát dần việc phụ thuộc vào sinh kế từ nông nghiệp.

Du khách vui thú trải nghiệm ở Cẩm Châu

Bà Nguyễn Thị Hồng-Chủ tịch UBND phường Cẩm Châu cho hay, toàn phường có gần 200 ha đất sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất lúa chiếm khoảng 40% đất lúa toàn thành phố, cùng 44 hecta mặt nước nuôi tôm góp phần tạo nên môi trường sinh thái.

“Đến nay tỷ trọng lao động làm nông nghiệp truyền thống đã giảm đáng kể so với trước đây, đa số chỉ còn lao động lớn tuổi, những lao động trẻ đã chuyển dần sang làm dịch vụ, du lịch và các ngành nghề khác cho mức thu nhập ổn định”, bà Hồng nói.

Để thay đổi bức tranh nông nghiệp một cách tích cực, nhiều năm qua, một số loại hình kinh doanh, dịch vụ gắn với cảnh quan sinh thái của ruộng lúa được người dân phường Cẩm Châu đầu tư, khai thác bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, tạo nên sản phẩm du lịch mới lạ, ngày càng thu hút người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Với hoạt động sản xuất nông nghiệp sẵn có, người dân ở An Mỹ đã kết hợp với việc khai thác sản phẩm du lịch: tour trải nghiệm làm nông, tour khám phá làng quê bằng xe đạp, hay trải nghiệm cưỡi trâu, cấy lúa, trồng rau…. Đây được đánh giá là những sản phẩm du lịch từ nông nghiệp đầy hứa hẹn.

Trong xu hướng chuyển dịch kinh tế sang ngành du lịch-dịch vụ, tại phường Cẩm Châu, các loại hình kinh dịch vụ lưu trú như homestay, villa đang phát triển mạnh. Cùng với việc phát triển kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống trên các hồ nuôi tôm, tạo không gian sinh thái tự nhiên. Qua đó góp phần quảng bá hình ảnh vùng quê sinh thái Cẩm Châu, phục vụ du lịch Hội An nói chung.

Những năm gần đây, “Lễ hội xuống đồng” của phường Cẩm Châu được UBND TP.Hội An đưa vào danh mục sự kiện, lễ hội định kỳ hằng năm của thành phố. Lễ hội được tổ chức vào đầu vụ Đông Xuân hàng năm (khoảng tháng 1), với các hoạt động văn hóa truyền thống gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, như: trình diễn hoạt động trâu cày ruộng, trình diễn đội hình xe máy cày và tát nước gàu sòng, hội thi “Tôi là Nông dân”. Qua đó, phát huy tốt giá trị, ý nghĩa ngày hội, từng bước xây dựng thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, gắn hoạt động du lịch với sản xuất nông nghiệp để phục vụ du khách.

Đặc biệt trong năm 2024, UBND TP.Hội An phối hợp với Công ty Arabesque Việt Nam tổ chức vở diễn “Rơm” tại cánh đồng lúa phường Cẩm Châu đã để lại ấn tượng sâu sắc, mang đến một sản phẩm văn hóa-du lịch đặc trưng cho làng quê Hội An, tôn vinh nét đẹp văn hóa mộc mạc của người nông dân, xóm làng nông thôn Hội An nói chung, phường Cẩm Châu nói riêng. Thông qua chương trình góp phần phát triển du lịch xanh và xây dựng thành công Hội An thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch và thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

Cùng “Lễ hội xuống đồng”, vở diễn “Rơm” trên cánh đồng lúa Cẩm Châu với sự quảng bá cả nước, đánh dấu bước ngoặc trong hoạt động du lịch trên nền nông nghiệp của địa phương. Thành công của các sản phẩm này đã khẳng định thế mạnh làm du lịch nông nghiệp của Cẩm Châu.

Ông Nguyễn Văn Sơn-Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thời gian đến, phường Cẩm Châu cần khai thác thế mạnh từ nông nghiệp làm tiền đề cho các loại hình kinh doanh dịch vụ, du lịch, ưu tiên các loại hình kinh doanh phù hợp với xu thế sinh thái, xanh; bên cạnh đó triển khai các loại hình phục vụ nhu cầu của du khách phù hợp với thế mạnh của địa phương.

“Cẩm Châu cần huy động sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân lâu dài và bền vững; chú trọng đầu tư dịch vụ trải nghiệm văn hóa bản địa; khuyến khích thu hút nhà đầu tư trên nền tảng giữ nét xanh, sự yên bình vốn có của vùng quê sinh thái”, ông Sơn nói.

Bài viết: Mỹ Lệ

Go top