Nằm bên bờ bắc hạ lưu sông Thu Bồn, Hội An là một đô thị cổ tại Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng hơn 30 km, cách Huế 122 km. Nhắc tới Hội An là phải kể tới các dãy nhà cổ màu vàng nghệ, dòng sông lung linh hoa đăng khi đêm xuống, hay những món ăn ngon giá bình dân.
Nhắc đến Hội An, ai nấy đều nghĩ đến sự nhộn nhịp của những gót chân chen nhau dưới ánh đèn lồng lung linh, giữa những con đường nhỏ nhỏ, xinh xinh. Thế nhưng, sự bình yên mỗi sớm mai khi mặt trời vừa mới ló dạng soi ánh rêu phong, cổ kính của những dãy nhà cổ, những con đường vắng lặng trong lành khiến lòng người bồi hồi, xao xuyến đến lạ thường.
Từng vách tường rêu phong, những ngôi nhà mái ngói, hay dòng sông Hoài thức giấc sau một đêm ngủ yên, người Hội An thong thả tập thể dục, quét dọn hiên nhà, đi gánh nước…. Những dãy phố, cửa hiệu còn đóng cứng cửa, mặc kệ ánh nắng ban mai yếu ớt “gõ cửa”. Xuyên qua từng hoa, tán lá trước cửa nhà, chiếu lên bức tường sơn màu vàng hay cánh cửa gỗ nâu, có lẽ quá mệt mỏi vào ban đêm nên sáng vẫn chưa đủ sức tỉnh giấc.
Nếu có cơ hội “hẹn hò” với phố cổ Hội An vào lúc bình minh, bạn sẽ được ngắm nhìn, chiêm nghiệm những nét đẹp mộc mạc, bình yên, gần gũi mà không kém phần xinh đẹp nơi đây sẽ khiến lòng mình thảnh thơi, nhẹ tênh mà ngồi ngắm nhìn đường phố, nhịp sống chậm chậm trôi.
Đường phố ở khu phố cổ được bố trí ngang dọc theo kiểu bàn cờ với những con phố ngắn và đẹp, uốn lượn, ôm lấy những ngôi nhà. Cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, phố cổ Hội An vẫn giữ những nét đẹp xưa cổ trầm mặc rêu phong trong từng mái ngói, viên gạch, hàng cây… như chính nét bình dị trong tính cách, tâm hồn thuần hậu, chân chất của người dân địa phương.
Dạo quanh chùa Cầu, linh hồn của phố Hội mang dấu ấn thời gian. Cầu dài 18m có mái che lợp bằng ngói âm dương, quay mặt về phía sông Thu Bồn. Là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Việt Nam và Nhật Bản. Vào thế kỷ 17 - 18, Hội An từng là thương cảng sầm uất bậc nhất Đông Nam Á.
Không gian trầm mặc, cổ kính của quần thể kiến trúc khu phố cổ là sự đồng vọng của thời gian với con người, là bóng soi của một thời quá vãng để tìm lại những gì ngày xưa đã mất, hay đó là chốn riêng tư ta tự vấn lòng mình về bao chuyện đã qua. Còn rời xa phố để đến với những khu vườn tươi mát lá hoa, đến với vùng sông biển lộng gió, ngát xanh là để thả lòng mình hòa với thiên nhiên, tìm những thú vui thêm yêu cuộc sống. Nhưng rõ ràng càng ngày người Hội An càng ngộ ra rằng, giá trị của Di sản văn hóa thế giới Hội An nằm chủ yếu ở mối quan hệ thân thiện giữa những chủ nhân di sản với du khách “đến chơi nhà”. Đó là phần phi vật thể - phần “hồn”, phần “chất” làm nên vẻ đẹp độc đáo, riêng có của Hội An.
Nam Nguyễn/ Trang thông tin Di sản xanh
https://dulich.petrotimes.vn