Hội An cuốn hút không chỉ bởi lịch sử hình thành, những độc đáo trong cảnh sắc kiến trúc và không khí sinh hoạt. Nơi này, còn có sự hấp dẫn từ nhiều sản phẩm làng nghề thủ công, các giá trị nghệ thuật được thừa nhận trong sinh hoạt văn hóa - văn nghệ dân gian. Phải làm gì để phát triển từ lõi bản sắc này, là điều đặt ra.
Liên kết các làng nghề để tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm thủ công. Ảnh: TTVH.HA
Từ cái đang có tới cái đang cần
Với tư cách là chủ thể của một địa điểm du lịch mang nhiều ưu thế, người dân Hội An chắc hẳn không ai muốn dừng lại và tự mãn với những gì đã và đang có. Và như vậy, bảo tồn văn hóa truyền thống không có nghĩa là “hóa thạch” những giá trị cổ truyền một cách nghiêm cẩn đến cực đoan.
Văn hóa là dòng chảy liên tục, biến đổi không ngừng trong không gian và theo thời gian. Vì thế, chúng ta nên chấp nhận thuộc tính này một cách tự nhiên và nhẹ nhàng.
Nói như vậy, không đồng nghĩa với sự bất chấp hoặc làm biến đổi những giá trị cốt lõi của chúng một cách trái quy luật và đạo lý. Điều đáng nói là trên cái khung sườn đã được định danh, chúng ta có đủ tự tin và mạnh dạn cho chúng khoác lên mình những “bộ cánh” mới mẻ, đa dạng và linh hoạt hơn.
Thừa nhận sự biến chuyển không ngừng của văn hóa được mặc định là truyền thống, chính là phương thức mà chúng ta có thể điều chỉnh tốt hiệu ứng từ những cái ta đang có với cái khách đang cần.
Tạo những khác biệt
Mạnh dạn tạo nên chất lượng khác biệt trên cái lõi mang tính bản sắc gốc là điều cần thiết. Với những bước đột phá phù hợp thị hiếu thẩm mỹ của du khách từ nhiều nền văn hóa, chính là tạo nên sắc diện mới của chúng ta trong mắt người khác.
Tại sao trên cái nền đèn lồng đầy ấn tượng, chúng ta lại không thể trang trí những hình ảnh, họa tiết... hay những lời chúc phúc, gần gũi với thẩm mỹ quan của nhiều đối tượng du khách khác với văn hóa chúng ta?
Tại sao trong bộ bài chòi, chúng ta lại không kèm hình ảnh những di tích, thắng cảnh, con người, văn hóa... Hội An và sáng tạo những ca từ hô bài chòi liên quan đến nó, để có dịp giới thiệu và quảng bá vùng đất này?
Sự liên kết đa ngành, đa lĩnh vực trong cùng một sản phẩm thủ công là điều cần thiết. Chính quyền lẫn người dân Hội An cần trân trọng, nâng cao giá trị của sản phẩm làm bằng tay trước hàng công nghiệp với những “thủ thuật” khiến khách phải thừa nhận.
Tính liên kết đa ngành trong nhiều hoạt động sản xuất hiện nay là một khâu khá yếu kém và ít được quan tâm ở các nơi. Ngay tại Hội An, các nghề gốm, mây tre, đèn lồng, vải may mặc... luôn khép mình trong những vật liệu được sử dụng theo thói quen truyền đời.
Tôi nghĩ chính sự hội tụ đa dạng các loại nguyên liệu và kỹ thuật của nhiều ngành nghề, kết nối chúng lại trên cùng một sản phẩm lẫn bao bì chính là điều tạo nên khác biệt.
Chưa kể, có thể kèm với một bảo tàng mini về vật liệu và thao tác biểu diễn của nghệ nhân là những gì có thể thuyết phục bậc nhất trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Đa dạng hóa loại hình cư trú
Đa dạng hóa loại hình cư trú, kích thích sự tò mò khám phá cho khách bằng việc tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa của một gia đình Việt ở Hội An cũng là điều nên suy ngẫm.
Những ngôi làng quanh Hội An đều có thể xây dựng được “kịch bản cư trú” hoàn hảo cho những du khách thích khám phá văn hóa nơi mình đến.
Tôi có cảm giác nếu một gia đình đón tiếp khách như một đứa con đi xa trở về và cho họ tham dự một cách tự nhiên những sinh hoạt sản xuất (nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp gia đình...) lẫn tập tục, lễ nghi, giải trí... sẽ để lại dấu ấn mạnh.
Nhiều du khách chia sẻ, họ ấn tượng nhất khi đến Việt Nam chính là tính coi trọng gia đình của người Việt. Hãy cho khách nước ngoài tham gia trải nghiệm và chứng thực điều ấy với một kịch bản hoàn hảo có thật. Vấn đề tiện nghi, hiện đại, sang chảnh lúc này sẽ không là điều mà khách quan tâm nữa.
Một thành phố sáng tạo, đối với tôi chính là chất lượng và sự khác biệt từ khả năng tạo ra những giá trị mới hoặc làm tốt hơn, đẹp hơn những cái đã có.
baoquangnam