Tin tức

Tin tức

Bảo tồn toàn vẹn Khu phố cổ Hội An

Giữa tháng 12 năm 2022, tham dự phiên toàn thể Hội thảo Văn hóa 2022 về ‘Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Bộ Văn hóa – Thể Thao & Du lịch tổ chức, đại diện cho thành phố Hội An, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã trình bày tham luận về “Chính sách và nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An”. Theo đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch theo hướng bền vững, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ then chốt của thành phố.

Cần có thể áp dụng cho Hội An với các cơ chế, chính sách thí điểm, riêng biệt, tiến tới quản lý đô thị di sản thông minh

Những năm qua, việc bảo vệ và phát huy khu phố cổ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể mà còn của cả cộng đồng, doanh nghiệp Hội An.

Các Nghị quyết của Đảng, chủ trương của các cấp chính quyền về xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa đều dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa địa phương mà khu phố cổ là hạt nhân. Do đó, việc bảo vệ và phát huy khu phố cổ được lồng ghép, mở rộng qua nhiều đề án, dự án, quy hoạch như: Đề án xây dựng Hội An – Thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch, Đề án Hội An nhân tình thuần hậu, Quy hoạch kiến trúc đô thị Hội An… nhằm tạo điều kiện, động lực cho cộng đồng và doanh nghiệp tham gia bảo tồn và phát huy di sản.

Những năm qua, các chính sách phát triển du lịch trên nền tảng di sản văn hóa, hạt nhân là khu phố cổ đã tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Tại Khu phố cổ, hầu hết người dân đều tham gia các ngành nghề gắn với dịch vụ du lịch. Chính sách này tác động rất tích cực không chỉ cho sự phát triển của thành phố mà còn đại bộ phận nhân dân và doanh nghiệp còn được hưởng lợi; tạo sự gắn bó, trách nhiệm của những thành phần hưởng lợi từ di sản chung tay bảo vệ di sản…

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, cho biết: “Hội An là địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cho người dân trong khu phố cổ để trùng tu di tích. Hội An có hơn 83% di tích thuộc sở hữu tập thể, tư nhân, ngoài phần nhà nước đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2000-2015 chúng tôi tập trung đầu tư cho các di tích nhà nước với hỗ trợ kinh phí từ 40 đến 75%. Ngoài ra, trong nguồn thu vé tham quan, tất cả người dân được hưởng từ nguồn thu vé tham quan. Trách nhiệm mang lại sự hưởng lợi cho người dân trong khu di sản là rất quan trọng”.

Hội An đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cho người dân trong khu phố cổ để trùng tu di tích

Dù vậy, Hội An đang đối diện với những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư, khách du lịch trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát, nhất là trong khu phố cổ và tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển dịch vụ – du lịch đã làm ảnh hưởng nghiệm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa.

Hội An còn ở vào tình trạng thiếu hoặc không có các loại vật liệu truyền thống cho tu bổ di tích theo nguyên tắc bảo tồn tính chân xác; thiếu hoặc không còn các nghệ nhân/tay nghề truyền thống cho công tác tu bổ di tích, “truyền nhân” cho hoạt động diễn xướng dân gian… Sự thay đổi chủ sở hữu trong các di tích, ngôi nhà cổ Hội An làm biến đổi chức năng cấu trúc, không gian, các giá trị phi vật thể gắn với chủ di tích trong các di tích này ảnh hưởng đến sự bảo tồn toàn vẹn chung của Khu phố cổ.

Với những bất cập trên đây, phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022 về ‘Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Bộ Văn hóa – Thể Thao & Du lịch tổ chức, ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã đề xuất, kiến nghị như sau: “Hiện nay, Hội An là một điểm đến du lịch di sản văn hoá quan trọng của Việt  Nam và vươn tầm ra cả thế giới nên cần có những cơ chế, định hướng đầu tư xứng tầm như Chương trình mục tiêu quốc gia cần tiếp tục được đầu tư, các thiết chế văn hoá như bảo tàng, khu vui chơi giải trí, điểm sinh hoạt văn  hoá, hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông. Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch quản lý và ban hành Quy chế bảo vệ Di sản văn  hóa thế giới Hội An nhưng nguồn lực triển khai là rất lớn nên cần có kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, UBND tỉnh Quảng Nam. Về cơ chế đặc thù cho Bảo tồn phát huy Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An, hiện nay UBND tỉnh Quảng Nam đã  đăng ký với văn phòng Chính phủ làm việc nội dung này”. 

Trùng tu di tích tại Hội An

Chính phủ, Quốc Hội cần nghiên cứu mô hình đô thị di sản đầu tiên của Việt Nam (di sản thế giới) để có thể áp dụng cho Hội An với các cơ chế, chính sách thí điểm, riêng biệt, tiến tới quản lý đô thị di sản thông minh. Hội An cần được đầu tư, thừa hưởng các tiêu chí đô thị như cho phép bổ sung tiêu chí về đô thị có tính chất đặc thù về di sản vào nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN, tăng định mức phân bổ chi xây dựng cơ bản vốn trong nước cho thành phố Hội An nhằm đảm bảo định mức chi tối thiểu bằng mức chi bình quân đầu người tương đương với thành phố loại I và phù hợp với quy  mô dân số, diện tích của thành phố di sản…

Với góc độ của một nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Chí Trung – Chủ tịch Hội Khoa học – Lịch sử Hội An chia sẻ:“Nhà nước có thể làm, có thể tuyên truyền nhưng biến động hàng ngày hàng giờ ở trong người dân là rất quan trọng. Nếu không xuất phát từ phía người dân thì việc chúng ta có đưa ra những biện pháp này khác thì cũng không bằng nhận thức trong chính người dân. Bởi vì đối với Hội An, trên 90% di tích nằm trong sự quản lý của người dân, cho nên việc quản lý tốt hay không tốt, lâu dài và bền vững hay không đều xuất phát từ người dân trong phố cổ”.

Rõ ràng, cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, việc chung tay bảo tồn những giá trị đặc thù của đô thị cổ Hội An cần phải có ý thức, trách nhiệm của từng người dân – những chủ nhân của Di sản văn hóa thế giới./.

QUỐC HẢI

Go top