Lần đầu tiên xuất hiện trong Lễ hội Tết Việt 2024, phần biểu diễn nghệ thuật bài chòi Hội An nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khách du xuân.
Tối 27-1, hàng ngàn người dân TP.HCM thích thú hưởng ứng loại hình nghệ thuật bài chòi được trình diễn trong khuôn khổ Lễ hội Tết Việt 2024, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Đưa bài chòi Hội An về phố
Loại hình nghệ thuật bài chòi xuất hiện cách đây hàng trăm năm ở các tỉnh Trung Bộ nước ta.
Đến ngày 7-12-2017, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Khi đến phố cổ Hội An, du khách sẽ bắt gặp loại hình nghệ thuật này được trình diễn, thu hút nhiều người quan tâm.
Với mong muốn quảng bá loại hình nghệ thuật bài chòi, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM phối hợp với Thành đoàn Hội An (tỉnh Quảng Nam) biểu diễn nghệ thuật bài chòi vào tối 27-1 và tối 28-1.
Anh Nguyễn Hồng Phúc - giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - cho biết anh đã ngỏ lời mời Câu lạc bộ bài chòi À Ơi Phố từ đầu năm và được nhóm nhận lời mời tham gia trình diễn trong khuôn khổ Lễ hội Tết Việt 2024.
Đây là lần đầu tiên Nhà văn hóa Thanh niên đưa loại hình nghệ thuật này vào phục vụ người dân.
"Không phải người dân nào cũng có điều kiện tiếp xúc với hát bài chòi. Lần này chúng tôi muốn mang loại hình nghệ thuật này về TP.HCM để cho các bạn trẻ, người dân tiếp cận, biết thêm về bài chòi.
Các thành viên À Ơi Phố đều là những bạn trẻ đam mê bài chòi, sẽ góp phần quảng bá văn hóa tốt hơn với sức trẻ, sự nhiệt tình" - ông Nguyễn Hồng Phúc cho biết thêm.
Quảng bá nghệ thuật bài chòi còn là trách nhiệm của người trẻ
Anh Đặng Tấn Cường - trưởng nhóm Câu lạc bộ bài chòi À Ơi Phố - cho biết đây là lần đầu nhóm được đến TP.HCM biểu diễn nên rất háo hức.
Cả nhóm xem việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa là trách nhiệm của giới trẻ nên luôn cố gắng hết mình trong các hoạt động.
À Ơi Phố hiện có 6 thành viên và dàn nhạc công 7 người, có nhiều độ tuổi khác nhau. Người lớn tuổi nhất là 30 tuổi, còn trẻ nhất là 18 tuổi.
Các thành viên trong nhóm đều sinh ra ở vùng biển, sớm thấm nhuần dân ca, ca dao nên có thể hát bài chòi tự tin.
Thời gian qua nhóm thường lồng ghép bài chòi vào các hoạt động, biểu diễn phục vụ, hỗ trợ cho nhiều chương trình tại địa phương, các đình làng, nhất là dịp Tết.
Đặc biệt nhóm còn kết hợp với các trường để biểu diễn, truyền cảm hứng về việc giữ gìn bài chòi trong bạn trẻ.
Ban đầu, người dân TP.HCM còn bỡ ngỡ với luật chơi bài chòi nhưng sau đó mọi người nhanh chóng bắt nhịp và thích thú.
Phần quà cho người chiến thắng là chậu cây xanh, sách như lời chúc mang lại tài lộc, vận may cho năm mới.
Tuổi trẻ online