Các món ăn của Nhật Bản không chỉ đơn thuần mang giá trị ẩm thực mà có cả triết lý phải biết trân quý tự nhiên, biết nâng niu, cẩn trọng với những thứ giản dị, bé nhỏ nhất...
Nhà hàng Nhật Bản Min’s Sushi and BBQ ở Hội An. Ảnh: K.T.H
Tiếp thu chọn lọc
Bà Usuda Reiko, nguyên Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nhật - Việt TP.Kawasaki (Nhật Bản), là một trong những người Nhật đã chọn Hội An là quê hương thứ hai của mình, cho biết: “Từ trong lịch sử, ẩm thực Nhật Bản đã có sự giao thoa giữa phương Đông và phương Tây. Văn hóa ẩm thực Nhật Bản có sự vay mượn thực phẩm từ các quốc gia phương Tây và người Nhật đã biến nó thành của riêng mình trong một phong cách mới.
Ví dụ “Tempura” được giới thiệu vào cuối thế kỷ 16 và đến từ Bồ Đào Nha. Korokke có nguồn gốc từ món croquettes của Pháp.
“Yakiniku” được gọi là món “thịt nướng” kiểu Nhật - món nướng này có nguồn gốc từ phương Tây. Nhờ sự giao thoa đó nên ẩm thực của xứ xở hoa anh đào ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực, đó là dù phong phú, lan tỏa nhưng vẫn không đánh mất bản sắc truyền thống của mình.
Những món ăn được thực hành với sự giao thoa được gọi Yoshoku, là những món ăn có nguồn gốc châu Âu hoặc Mỹ (gọi chung là phương Tây). Những món này không phải là món ăn phương Tây chính thống, mà chỉ có nguồn gốc hoặc một ít đặc điểm của phương Tây, được người Nhật thêm vào những biến tấu rất riêng. Trường phái Yoshoku, về mọi nghĩa, là những món ăn mang “quốc tịch” Nhật Bản 100% chẳng khác gì ẩm thực truyền thống, chứ không phải “đồ phương Tây”.
Hiện tại, những món ăn được nấu theo trường phái Yoshoku được xem là một nét ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản do có sự pha trộn hoàn hảo giữa hai nền văn hóa. Để phát triển, hầu hết các nhà hàng Nhật Bản ở Hội An cũng áp dụng theo trường phái ẩm thực này, đồng thời nỗ lực tuân thủ những triết lý ẩm thực của trường phái washoku.
Theo đó, dù kiên định các triết lý ẩm thực trong thực hành nấu nướng món ăn Nhật Bản, nhưng người đầu bếp Hội An vẫn tinh tế tạo ra sự pha trộn để món ăn của nhà hàng trở nên phù hợp với khẩu vị của những thực khách không phải là người Nhật nhưng muốn thưởng thức món ăn của xứ xở Phù Tang.
Độc đáo “cơm trà xanh”
Ở Hội An, bên cạnh những nhà hàng phát triển theo hướng giao thoa văn hóa ẩm thực, dường như chỉ có nhà hàng Samurai Kitchen (ở số 09 Tiểu La) của anh Genta Miyagawa vẫn tuân thủ những công thức nấu nướng truyền thống để phục vụ những thực khách là du khách Nhật Bản, hoặc những người Nhật đang sinh sống ở Hội An.
Món Sashimi được trình bày đẹp mắt. Ảnh: K.T.H
Ở đây, thực khách Nhật Bản không chỉ cảm nhận được hương vị ẩm thực truyền thống của đất nước mình mà khung cảnh nhà hàng từ trang trí bên ngoài đến cách bài trí ở phía trong đều mang vẻ hoài cổ.
Trong khi trò chuyện với bà Rejko về ẩm thực Nhật Bản ở Hội An, tôi được nghe kể về món Ochazuke - một món cơm bình dị của xứ sở hoa anh đào, thường được gọi với cái tên là cơm chan nước trà (cơm trà xanh).
Nguyên liệu chế biến của Ochazuke vô cùng đơn giản, chỉ với cơm và những thức ăn còn dư lại từ bữa ăn trước được lấy ra từ tủ lạnh, thêm chút nước trà, nước dùng dashi hoặc nước nóng chan lên trên. Chẳng cần mất thời gian sơ chế, chuẩn bị, Ochazuke được chế biến vô cùng nhanh gọn.
Nhật Bản vốn nổi tiếng là một quốc gia có nền ẩm thực hết sức tỉ mỉ và chính xác trong kỹ thuật nấu nướng, vì thế, các tín đồ ăn uống ắt hẳn đã rất bất ngờ khi xứ Phù Tang lại có một món ăn mộc mạc và chế biến “thô sơ” như thế này.
Tuy vậy, món Ochazuke vẫn luôn là một niềm tự hào của người Nhật bởi món ăn này đã làm nên một mảnh ghép riêng độc đáo cho bức tranh ẩm thực của quê hương. Bởi lẽ, dù Ochazuke là món cơm trộn “nhà nghèo”, hầu như sử dụng toàn đồ còn dư thừa từ bữa trước nhưng đừng vì thế mà xem nhẹ giá trị của món ăn này.
Khi nhìn vào bát cơm đầy ắp nguyên liệu được sắp xếp gọn gàng, bày trí ngay ngắn ngập trong nước trà nóng hổi nghi ngút khói, thực khách sẽ càng phục hơn sự tinh tế và trân trọng của người Nhật với ẩm thực, với thực khách muôn nơi. Tuy là cơm trộn nhưng rất đẹp mắt chứ không xấu xí, “hổ lốn”.
Về phần nước trà, người Nhật nhất quyết chọn trà xanh thuần khiết chứ không phải loại trà nhiều hương vị nào cả. Bởi nước trà xanh nóng hổi vừa đủ để át đi mùi đồ ăn thừa nhưng vẫn làm tăng hương vị và cảm giác thanh nhẹ dễ chịu của một món ăn thuần Nhật tuyệt đối.
Người Nhật luôn biết cách nhìn nhận và quý trọng cuộc sống. Họ trân quý tự nhiên, biết nâng niu, cẩn trọng với những thứ giản dị, bé nhỏ nhất, tận dụng tất thảy mọi món quà mà thiên nhiên ban tặng.
Hiện nay, Ochazuke đã được đưa vào các nhà hàng Nhật Bản với biến tấu sáng tạo để trở nên sang trọng, cầu kỳ hơn với nguyên liệu phong phú và bày trí đẹp mắt, tinh tươm hơn rất nhiều so với trước đó.
Tuy nhiên, Ochazuke vẫn luôn giữ trọn tinh thần và vẻ đẹp truyền thống đầy nhân văn của mình, về một câu chuyện truyền cảm hứng để người ta biết quý trọng và yêu thương những món quà từ thiên nhiên, những con người gần gũi cạnh bên sớm tối.
Món Ochazuke tuy mộc mạc nhưng lại là một niềm tự hào của ẩm thực Nhật Bản, là cách mà người dân Nhật Bản biến những vật liệu nhỏ bé đơn sơ trở nên tinh túy, đẹp đẽ, thể hiện cách trân quý ẩm thực tuyệt vời của những con người nơi đây.
Hiện nay, tại Hội An đã và đang có nhiều người Nhật Bản sinh sống, gắn bó nhiều năm như bà Usuda Reijko, ông Tomo Usuda, cùng với đó, mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Hội An - Nhật Bản mỗi năm đều được khẳng định thêm qua những lễ hội giao lưu văn hóa.
Tuy nhiên, điều dễ nhận ra là những nhà hàng Nhật Bản ở Hội An chưa phát triển nhiều nếu không muốn nói là còn quá ít. Làm thế nào để phát huy nền ẩm thực của xứ xở Phù Tang ở Hội An là một bài toán cần sự chung tay không chỉ từ những người yêu ẩm thực Nhật mà cả ngành bảo tồn cũng như của các đơn vị đảm nhiệm phát triển ngành du lịch của thành phố di sản.
KHIẾU THỊ HOÀI
baoquangnam