Nghề dệt chiếu truyền thống tại Hội An
An Hội (thuộc phường Minh An) là mảnh đất đã từng có lực lượng đông đảo dân cư tham gia dệt chiếu, trở thành xóm sản xuất chiếu chuyên nghiệp với tên gọi “Xóm Chiếu”. Nghề dệt chiếu ở Hội An được hình thành từ nhiều nguyên do khác nhau và đã tồn tại, phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử. Theo hồi cố dân gian, nghề dệt chiếu du nhập vào Hội An muộn nhất vào cuối thế kỷ XIX. Đầu tiên là ở vùng đất phía Nam sông Thu Bồn tiếp giáp với các làng dệt chiếu nổi tiếng của huyện Duy Xuyên, Điện Bàn như làng chiếu Bàn Thạch, An Phước, Triêm Tây. Những làng chiếu này được hình thành từ rất sớm như làng chiếu Bàn Thạch, An Phước vào khoảng thế kỷ XVI, làng chiếu Triêm Tây hình thành vào thế kỷ XVIII. Trong quyển Xứ Đàng Trong năm 1621, Cristophoro Borri mô tả “Trong tất cả nhà cửa người Đàng Trong, dù nghèo nàn đến đâu đi nữa, người ta cũng giữ ba cách ngồi. Cách thứ nhất kém hơn cả là ngồi trên chiếu trải trên đất bằng và đó là cách ngồi của những kẻ cùng cấp bậc. Cách thứ hai là ngồi trên thứ dây bố hay dây da căng thẳng có trải chiếu nhỏ và mịn hơn, dành cho người đáng kính hơn” [1: 52]. Như vậy, vào đầu thế kỷ XVII, chiếu đã trở thành vật dụng phổ biến trong tất cả các gia đình Xứ Đàng Trong nói chung, Hội An nói riêng.
Xem thêm